Là một trong 11 huyện đảo của cả nước, huyện Đảo Phú Quý từ bao đời nay trực tiếp chịu ảnh hưởng của biển, sống nhờ và phát triển dựa vào các hoạt động kinh tế biển; mặt khác, nằm giữa biển Đông, Phú Quý có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của tỉnh và cả nước, nên việc phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo là nhiệm vụ, yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã xác định: "Đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh".
Khi nói đến kinh tế biển, tức là nói đến các nhóm ngành kinh tế: Khai thác chế biến dầu khí và các loại khoáng sản; Kinh tế hàng hải (kinh tế vận tải biển, kinh tế cảng biển, đóng và sửa chữa tàu biển); Khai thác và chế biến hải sản; Du lịch biển và kinh tế hải đảo; Xây dựng các khu kinh tế, các khu công nghiệp tập trung và khu chế xuất ven biển gắn với phát triển các khu đô thị
ven biển.
Thực trạng trong những năm qua, việc phát triển kinh tế biển ở huyện ta mới chỉ tập trung vào ngành khai thác và chế biến hải sản (khai thác, đánh bắt ngoài khơi xa; nuôi đặc, hải sản và chế biến). Về ngành du lịch biển đã có lúc khởi động, có một số nhà đầu tư đến thăm dò, hứa hẹn chuẩn bị dự án, nhưng đa số một đi không quay trở lại; bởi lẽ, phải chịu bài toán kinh tế của các nhà đầu tư, đó là doanh thu, là lợi nhuận. Các ngành kinh tế biển khác vẫn còn ở dạng tiềm năng, do không phải tầm, không đủ sức hoặc chưa có khả năng để khai thác. Điều đó chứng tỏ rằng, tiềm năng và lợi thế về kinh tế biển của huyện ta rất lớn, nhiều ngành còn bỏ ngỏ.
Việc phát triển kinh tế biển của huyện ta không phải một sớm một chiều, mà cần phải có thời gian dài, phải theo thứ tự từng bước, ưu tiên từng lĩnh vực, từng ngành, có bước đột phá, có bước lâu dài, đặc biệt đòi hỏi phải có sự giúp đỡ to lớn của Trung ương, của tỉnh và sự đầu tư của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước.
Về phần mình, trong khả năng có thể "tự vươn lên"; trước mắt cần phải tập trung phát triển mạnh vào 2 ngành: khai thác và chế biến hải sản; du lịch biển. Tất nhiên, để 2 ngành này phát triển đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ và giải pháp; nó không nằm ngoài các nhiệm vụ và giải pháp mà bấy lâu nay chúng ta đã nói, đã biết và có làm; nhưng có một số việc làm chưa đến nơi đến chốn. Theo tôi, cần phải tập trung quyết tâm, đồng thuận hiệp lực làm cho bằng được giải pháp sau:
1. Bảo vệ có hiệu quả môi trường sinh thái biển.
Nhanh chóng tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc vào các nhiệm vụ chủ yếu sau:
- Thứ nhất, nghiêm cấm tuyệt đối việc xả chất thải xuống biển, nhất là các doanh nghiệp, làm ô nhiễm môi trường biển, đặc biệt ở khu vực gần bờ. Tất cả mọi người phải có ý thức chấp hành tốt việc giữ gìn vệ sinh trên bãi biển và bảo vệ biển.
- Thứ hai, bảo vệ hệ sinh thái biển ở khu vực gần bờ như: nghiêm cấm việc đào bới rạn san hô, thảm cỏ biển… Vì hệ sinh thái biển làm nhiệm vụ điều hoà dinh dưỡng trong vùng biển và là nơi cư trú, nơi sinh đẻ của nhiều loài sinh vật sống
dưới biển.
- Thứ ba, ngăn chặn có hiệu quả việc dùng chất nổ, chất độc, xung điện… đánh cá hủy diệt.
Bảo vệ được môi trường sinh thái biển sẽ phát triển bền vững cho việc khai thác, đánh bắt khu vực gần bờ và phát triển các loại hình du lịch, như lặn biển, câu cá biển.
2. Giải quyết giao thông đi lại.
Giao thông đường biển được xác định là huyết mạch giao thông quan trọng không chỉ giải quyết việc đi lại giữa đảo với đất liền và ngược lại, mà còn là vấn đề có tính then chốt để phát triển ngành du lịch và là động lực quan trọng để thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Đó là phát triển bằng được tàu khách có công suất lớn.
Có một thực tế mà mỗi người dân sống trên đảo hay ai đã từng một lần đặt chân đến đảo, đều cùng chung một nhận định rằng: Môi trường khí hậu, cảnh quan, khả năng khai thác phát triển du lịch biển là rất tốt; con người của đảo hiền hòa, mến khách…, nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay mà huyện đảo đang vấp phải, đó là phương tiện đi lại giữa đảo với đất liền còn gặp rất nhiều khó khăn, do không có tàu khách cao tốc với công suất lớn để vươn ra biển, để chống chọi với biển cả khi gặp sóng to gió lớn và để rút ngắn khoảng cách đi lại giữa đảo với đất liền, nhưng đây quả là một bài toán khó trong điều kiện một huyện đảo nhỏ, xa xôi, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn.
Để giải quyết vấn đề này, không phải cứ ngồi trông chờ Trung ương hỗ trợ hoặc các nhà đầu tư; yêu cầu phải chủ động, phải tập trung nỗ lực để vượt qua, có thể thực hiện tuần tự các bước sau:
- Thứ nhất, thành lập đoàn có trách nhiệm đi tham quan học hỏi các nơi đã có tàu khách cao tốc với công suất lớn; học hỏi một cách nghiêm túc, để nắm toàn diện và nắm thật chắc tất cả các mặt, như về thông số kỹ thuật, phương tiện hiện đại trang bị trên tàu; giá cước, nhu cầu đi lại để hạch toán thu chi…
Cần phải chú trọng thực hiện tốt khâu này, mới áp dụng vào điều kiện thực tế của huyện đảo cho phù hợp để xây dựng một đề án cụ thể; từ đó, mà tuyên truyền, kêu gọi các nhà đầu tư mới có tính thuyết phục, chứ không nói suông như hiện nay.
- Thứ hai, thực hiện bước kêu gọi đầu tư, bằng các hình thức; chào mời với tinh thần hết sức cầu thị, quảng bá cụ thể trên trang tin điện tử của huyện nhà; trong đó đặc biệt quan tâm chú trọng đến số bà con Kiều bào của huyện tham gia giúp sức để phát triển huyện nhà, giúp trên cả hai phương diện vừa đầu tư để phát triển vừa thể hiện tình cảm cộng đồng quê hương.
- Thứ ba, mạnh dạn đột phá, xin chủ trương của tỉnh về việc phát hành trái phiếu để đóng tàu.
Với hai mã của "chìa khoá" nêu trên, biết rằng chưa đủ để phát triển kinh tế nhưng rất cần thiết cho huyện đảo, và tin chắc rằng, sẽ thu hút các du khách tham quan và các nhà đầu tư đến đảo. Đây là mã khoá có bước đột phá, mở hướng đi rất quan trọng giúp cuộc sống trên đảo ngày càng sôi động, nhộn nhịp, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Có được đà tăng trưởng, sẽ mở ra nhiều cơ hội, điểm sáng cho đảo; có thể trong tương lai, đảo sẽ trở thành một "thành phố biển" như nhiều người hằng mong ước.