Phú Quý tourist
Phú Quý
Phú Quý Travel

Di tích lịch sửa văn hóa cấp tỉnh - Đình làng Triều Dương

Đình làng Triều Dương là tên gọi gắn với quá trình hình thành làng, xây dựng đình và đặt tên đình mang tên làng theo phong tục, tập quán của người Việt trong hành trình Nam tiến khai phá đất đai tạo lập cuộc sống mới. Từ khi tạo lập đến nay nhân dân trên đảo Phú Quý và xã Tam Thanh thường gọi đình làng là miếu làng Triều Dương.
Tên gọi làng cũng như đình Triều Dương mang ý nghĩa hàm tích sâu sắc nhằm để tưởng nhớ về quê cha đất tổ, nơi chôn nhau cắt rốn nhưng vì những nguyên nhân khác nhau tác động nên họ phải rời bỏ cố hương để ra đi lập nghiệp. Đến vùng đất mới, họ đã lấy tên làng cũ để đặt tên cho làng nơi vùng đất mới khai phá, với mục đích nhắc nhở các thế hệ con cháu đi sau phải trân trọng những thành quả của cha ông để lại và luôn nhớ về cố hương.
Đình Triều Dương là nơi tôn thờ Thành Hoàng bổn cảnh và các bậc tiền nhân đã có công khai mở đất và tạo lập làng. Làng Triều Dương có lịch sử hình thành tương đối sớm, xưa kia nơi đây tập trung dân cư đông đúc nhất so với các làng khác trên đảo. Theo tài liệu để lại, đình Triều Dương được khởi dựng vào năm 1773. Trải qua nhiều thế kỷ tồn tại, trước tác động của thời gian và môi trường thiên nhiên khắc nghiệt đầy sóng gió, ngôi đình bị xuống cấp, hư hỏng. Nhân dân trong làng qua nhiều thế hệ nối tiếp nhau đã dày công chăm sóc, bảo quản, trùng tu, sửa chữa ngôi đình nhiều lần và đình làng Triều Dương được tôn tạo lại lần gần đây nhất vào năm 1999 khá khang trang và vững chắc. Tuy nhiên qua những lần trùng tu, sửa chữa, kết cấu kiến trúc cũng như vật liệu thuở ban đầu khởi dựng đã ít nhiều bị thay đổi và không còn giữ nguyên trạng như xưa.

Đình làng Triều Dương là loại hình di tích kiến trúc dân gian gắn với đời sống nông, ngư nghiệp của nhân dân, là nơi thờ Thành Hoàng bổn cảnh, các vị thần linh và các bậc Tiền nhân đã có công bảo trợ, khai phá đất đai và tạo lập xóm làng. Hàng năm, tại đình làng Triều Dương diễn ra hai kỳ tế lễ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng dân cư trong làng với niềm tin cầu mong cuộc sống được an lành, no ấm, làm ăn được mùa…Cách thức hành lễ, tế lễ nơi đây vẫn được giữ nguyên các nghi thức dân gian theo phong tục tập quán xưa của cha ông truyền nối nhau qua nhiều thế hệ từ trước đến nay. Tổng thể di tích đình làng Triều Dương tọa lạc trên khuôn viên đất cao ráo, thoáng mát. Các hạng mục kiến trúc chính của đình gồm có: Cổng chính, Tiền đường, Võ ca, Chính điện, gian thờ Tiền hiền, nhà Khói. Nội thất chính điện còn bài trí nhiều hiện vật như: hoành phi, câu đối, bát bửu, chân đèn, lư hương, chiêng, trống và đáng quý nhất là 5 sắc phong của các đời vua triều Nguyễn ban tặng cho Thành Hoàng bổn cảnh làng Triều Dương. Ngoài những hiện vật có giá trị về lịch sử, văn hóa và điêu khắc nghệ thuật; đình làng Triều Dương còn lưu giữ một số hiện vật khác dùng trong tế tự và sử dụng làm nhạc lễ trong các kỳ tế lễ diễn ra hàng năm tại đình như: trống sấm, đại hồng chung, chiêng, bát bửu, lỡ bộ, hạc cưỡi rùa..
Sự tồn tại của đình làng Triều Dương hơn 200 năm qua là nơi tích tụ không biết bao nhiêu mồ hôi, công sức, thành quả lao động của các thế hệ đi trước nối tiếp nhau xây dựng và gìn giữ. Ngoài những giá trị vật thể hiện đang tồn tại, giá trị trường tồn về văn hóa, tín ngưỡng dân gian, cũng như lễ hội diễn ra tại đình làng Triều Dương mang yếu tố rất quan trọng, cố kết cộng đồng làng xã đến với nhau trong lễ hội chung của làng để thờ cúng Thành Hoàng bổn cảnh và các vị Tiền hiền, Hậu hiền có công qui tụ nhân dân, mở mang đất đai, lập làng, dựng đình và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân địa phương. Hàng năm tại đình làng Triều Dương tổ chức hai đợt tế lễ (xuân thu nhị kỳ): tế xuân diễn ra vào tháng 01 hoặc tháng 02 âm lịch, tế thu vào tháng 07 hoặc tháng 08 âm lịch, cũng như các đình làng khác trên đảo Phú Quý, lễ hội tế xuân và tế thu được tổ chức rất long trọng, trang nghiêm.
Đình làng Triều Dương là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa dân gian nơi đây còn bảo lưu  những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong cách đối nhân xử thế; đó là tình yêu quê hương, làng xóm, tự hào về mảnh đất mình đang sinh sống, đoàn kết cộng đồng cùng nhau xây dựng xóm làng. Trải qua hơn 200 năm tồn tại, đình làng Triều Dương vẫn không thay đổi và vẫn lưu giữ tên gọi xưa, điều đó thể hiện và khẳng định nét đặc trưng của văn hóa làng mà hạt nhân là ngôi đình vẫn trường tồn mãi mãi. Chính những giá trị văn hóa còn được bảo lưu gìn giữ, đình làng Triều Dương được UBND tỉnh Bình Thuận công nhận Di tích lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số 2959/QĐ-UBND ngày 16/11/2007.
Các bài viết khác