Phú Quý tourist
Phú Quý
Phú Quý Travel

Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Chùa Linh Quang

Linh Quang Tự nằm trên địa phận xã Tam Thanh tọa lạc trên một ngọn đồi thoai thoải, khung cảnh nơi đây vừa trầm mặc thoáng đãng như tách biệt với cuộc sống trần tục. Toàn bộ cảnh chùa nổi lên như một chấm son được lồng khéo léo giữa bức tranh sơn thủy hữu tình của đảo Phú Quý. Linh Quang Tự là ngôi chùa khởi đầu gắn liền với sự truyền bá ánh sáng Phật Giáo ở Phú Quý. Không chỉ là một nơi có quang cảnh đẹp, mà Linh Quang Tự là ngôi chùa tiêu biểu trên các lĩnh vực lịch sử, văn học, nghệ thuật về phật giáo ở trên đảo.

Theo gia phả được lưu truyền từ thuở khai lập đến nay thì chùa Linh Quang được tạo dựng vào năm 1747 (đời Cảnh Hưng năm thứ tám). Thuở sơ khai nơi đây chỉ là một tiểu am tranh lá đơn sơ đứng trầm mặc trên ngọn đồi hoang vắng. Quanh chùa thuở ấy là những khu rừng, những mỏm đá nguyên sinh trầm lắng thích nghi với cảnh Phật tràng. Vị Sư tổ khai sáng chùa là Nguyễn Cánh, trước khi qua đời đã lập gia phả giao lại cho con là Nguyễn Khách thừa kế ngôi tiểu am.

 
Số di sản và văn vật của vị sư tổ giao lại cho Nguyễn Khách rất lớn và quí hiếm. Theo gia phả ghi lại thì gồm có: “3 bộ kinh kệ, 12 pho tượng Quan Âm bằng đồng, 1 pho tượng Thích ca và 1 pho tượng Địa tạng bằng gỗ, 1 chuông đồng, 19 đĩa sứ, 10 chén sứ, 6 chiếc cổ bồng bằng sứ...” Kế tục cha, nhà sư Nguyễn Khách cùng bà con nhân dân đã sửa sang, tu bổ ngôi tiểu am thành ngôi chùa, tuy đơn sơ nhưng cảnh chùa trang nghiêm hơn trước.Cuối thế kỷ XVIII, một cơn hỏa hoạn bất ngờ đã thiêu rụi ngôi chùa tranh, đa số những di sản quý giá đều bị thiêu cháy, chỉ còn lại một số pho tượng Phật bằng đồng mà ngày nay vẫn còn vết cháy loang lổ năm xưa để lại. Sau vụ hỏa hoạn, giới tín đồ Phật tử cùng bà con nhân dân phát tâm xây dựng lại ngôi chùa ngay trên nền cũ để có nơi chiêm bái đức Phật.

Từ đó đến nay, Linh Quang Tự không ngừng được tu tạo cả nội lẫn ngoại thất. Đợt trùng tu tôn tạo lớn nhất là vào năm 1992 đã tạo nên diện mạo khang trang và bề thế cho chùa. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, theo truyền miệng của người dân trên đảo, chùa Linh Quang gắn liền với nhiều sự kiện và nhân vật lịch sử liên quan đến chùa mãi mãi được khắc ghi. Đặc biệt là sự kiện Nguyễn Ánh (sau này là vua Gia Long) bị quân Tây Sơn truy đuổi trên đường bôn tẩu đã ghé lại Phú Quý và dừng chân lưu gót tại chùa Linh Quang. Kỷ niệm nhà vua đến thăm chùa, Linh Quang Tự nay đã tạo tác bài thơ ngay trước sân thượng của chùa như sau:
“Gia Long bổn tẩu thời quốc nạn
Cặp đảo mai danh đáo Linh Quang
Ngắm nhìn đoài, chấn phùng thánh địa
Đặt hướng Tây canh dựng đại môn.

Linh Quang Tự là thắng cảnh thiên nhiên và kiến trúc phối hợp. Toàn bộ các công trình kiến trúc chính của chùa quay về hướng Tây Bắc và được bố trí dạng chữ đinh (T), trình tự gồm: cửa Đại môn, tòa chánh điện, nhà Hội Quán, nhà Tăng, vườn hoa và cây ăn quả. Hiện nay chùa đang xây dựng ngôi Bảo tháp 9 tầng cao 27m. Tại chùa có  pho tượng Bổn sư Thích ca mầu ni gắn liền với một sự tích linh thiêng của Linh Quang Tự. Tương truyền rằng sau cơn hỏa hoạn, nhân dân dựng lại ngôi chùa mới.

Lúc này một điềm lạ là trong một khúc eo biển bên Hòn Tranh có một tảng linh thạch cứ nổi lên vào những ngày lành tháng tốt, hết ngày đó lại chìm xuống. Cho đó là điềm lành mà Trời Phật báo đáp, bà con nhân dân lưu tâm để ý thì hiện tượng này diễn đi diễn lại nhiều lần. Sau đó giới tín đồ Phật tử và bà con nhân dân đến chùa cầu nguyện Đức Phật, rồi tổ chức ghe thuyền qua Hòn Tranh thỉnh tảng Linh Thạch về chùa Linh Quang. Tảng đá được nghệ nhân chạm khắc tạc tạo thành tượng Phật. Pho tượng Bổn sư Thích ca mầu ni đó được lưu giữ và tôn thờ đến hôm nay. Nơi có tảng Linh thạch nổi lên được mang tên là “vũng Phật” từ đó. Hiện nay vũng Phật là một thắng cảnh đẹp của đảo Hòn Tranh.

Trong chùa chứa đựng nhiều văn vật quý giá như Tượng phật cổ, Đại hồng chung, trống Đại phổ bát nhã và hàng chục câu văn tự cổ được khắc ghi trên các bức hoành phi, câu đối... có nội dung liên quan đến các sự tích Phật giáo, ca ngợi Đức Phật, hướng con người vào cõi thiện. Trong những bảo vật được lưu giữ cẩn mật nhất tại Linh Quang Tự phải nói đến hộp đựng sắc phong của các vua triều Nguyễn ban cho chùa. Có tất cả 5 sắc thần, trong đó đời vua Tự Đức phong 2 sắc, vua Đồng Khánh phong 1 sắc, Duy Tân 1 sắc và Khải Định 1 sắc. Cả 5 sắc thần đều đóng dấu “Sắc mạng chi bảo” của Triều Nguyễn. Đến nay sắc thần vẫn còn nguyên vẹn, hàng năm khi có những nghi lễ trọng đại mới được đưa ra khi đã làm lễ thỉnh sắc.

Ngoài những bộ phận kiến trúc chính nói trên, phía sau tòa chánh điện là những công trình phụ khác như hồ nước, nhà kho, nhà bếp... để phục vụ sinh hoạt hàng ngày của các nhà sư trong chùa. Sau lưng và hai bên hông chùa là những cây bồ đề đại thụ và vườn cây ăn quả xanh tươi bốn mùa, những hàng dừa xanh vươn cao, xen kẽ là những loại cây ăn quả khác vừa tạo bóng mát, vừa như những hàng rào bao bọc bảo vệ chùa ngăn cách với cuộc sống trần tục. Đứng từ cổ lầu mặt tiền của tòa chánh điện có thể nhìn bao quát những cảnh đẹp của hải đảo. Nhìn về hướng Bắc và Đông Bắc là đồi núi thoai thoải, nương rẫy của nhân dân, màu đỏ nhạt của đồi rẫy còn giữ lại dấu tích nham thạch của núi lửa thuở trước. Nhìn về phía Tây là xóm làng, nhà cửa mọc lên san sát như khẳng định cuộc sống đi lên của bà con ngư dân. Xa hơn, bên kia xóm làng là biển cả mênh mông xa tít tận chân trời mờ ảo. Những chiếc thuyền câu tấp nập vào ra, người thì hối hả căng buồm ra khơi chuẩn bị một chuyến đánh bắt xa, người thì hớn hở cặp bến sau một chuyến biển thắng lợi tàu thuyền ăm ắp cá tôm. Một sức sống mãnh liệt diễn ra sôi nổi từng ngày từng giờ trên hải đảo. Đêm đến đứng từ Linh Quang Tự nhìn ra khơi xa, ánh đèn câu dăng dăng sáng rực một vùng trời biển như canh giữ giấc ngủ yên lành cho người dân xứ Đảo.

Cũng từ Linh Quang Tự, nhìn về hướng Tây Bắc là ngọn núi Cấm trữ tình. Đây là ngọn núi cao nhất đảo (105m) với màu xanh cây rừng phủ kín. Nơi đây có ngọn Hải đăng báo hiệu cho tàu bè xác định phương hướng ban đêm. Ở Đông Bắc có ngọn Cao Cát cao 85m, là một kỳ quan của đảo mà thiên nhiên đã khéo tạo nên. Một ngọn núi đá bị gió bào mòn tạo thành những dãy bậc thang xoắn trôn ốc. Trên núi có nhiều mỏm đá và hang động nguyên sinh với nhiều sự tích kỳ bí. Nơi đây có ngôi chùa Linh Sơn cổ kính trang nghiêm có sức thu hút du khách mãnh liệt . Nhìn về Đông Nam là Hòn Tranh thơ mộng.

Mùa lễ hội đến với nhà chùa và nhân dân vào các dịp rằm tháng 4 âm lịch (lễ Phật Đản), Tết Thanh Minh và rằm tháng 7 âm lịch (lễ Vu Lan). Đây là dịp cảnh chùa tưng bừng nhộn nhịp tiếp đón mọi người dân trên đảo và du khách đến chiêm bái Phật. Không chỉ nhân dân, Phật tử xung quanh tham dự mà gần như toàn bộ dân trên đảo đến tham gia lễ hội viếng Phật, lễ chùa. Đó cũng là ngày hội văn hóa vui tươi lành mạnh, cảnh chùa chìm ngập những dòng người đông vui náo nức. 
 
Linh Quang Tự là ngôi chùa cổ nổi tiếng về qui mô cũng như nghệ thuật kiến trúc, tôn giáo, lễ nghi, có những cảnh trí thiên nhiên đa dạng xứng đáng là danh lam thắng cảnh của đảo Phú Quý. Nếu tính niên đại chính thức của ngôi chùa theo gia phả để lại thì chùa được kiến tạo, tu bổ lại vào năm Đinh mão 1747 đời Vua Lê Hiển Tông – niên hiệu Cảnh Hưng thứ 8. Đến nay (2011) ngôi chùa đã có niên đại 264 năm và cũng đến nay đây là một trong những ngôi chùa có niên đại sớm nhất ở Bình Thuận. Với những giá trị và ý nghĩa tiêu biểu đó, chùa Linh Quang được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng thắng cảnh cấp Quốc gia tại Quyết định số 51 QĐ/BT ngày 12/01/1996.
Bài & ảnh: Lý Thơ
 
Các bài viết khác