Phú Quý tourist
Phú Quý
Phú Quý Travel

Các điểm tham quan về du lịch đảo Phú Quý

MỘT SỐ DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA VÀ CÁC DANH LAM THẮNG CẢNH ĐẢO PHÚ QUÝ

 

1. Di tích lịch sử - văn hoá cấp Quốc gia thắng cảnh Linh Quang Tự

 Chùa Linh QuangTừ khi tạo dựng đến nay, người dân trên đảo gọi tên chùa là “Linh Quang Tự” nhằm cầu mong hào quang, ánh sáng của chùa luôn linh hiển soi sáng để cứu độ dân chúng trên đảo có cuộc sống an bình và hạnh phúc. Linh Quang Tự là ngôi chùa khởi đầu gắn liền với sự truyền bá ánh sáng phật giáo ở Phú Quý. Không chỉ là một nơi có quang cảnh đẹp, mà Linh Quang Tự còn là ngôi chùa tiêu biểu trên các lĩnh vực lịch sử, văn học, nghệ thuật so với các ngôi chùa khác ở trên đảo.

Linh Quang Tự nổi tiếng về qui mô cũng như nghệ thuật kiến trúc, tôn giáo, lễ nghi, có những cảnh trí thiên nhiên đa dạng xứng đáng là danh lam thắng cảnh của đảo Phú Quý. Nếu tính niên đại chính thức của ngôi chùa theo gia phả để lại thì chùa được kiến tạo, tu bổ lại vào năm Đinh Mão 1747 đời vua Lê Hiển Tông - niên hiệu Cảnh Hưng thứ 8, đây là một trong những ngôi chùa có niên đại sớm nhất ở Bình Thuận. Với những giá trị và ý nghĩa tiêu biểu đó, Linh Quang Tự được Bộ Văn hóa Thông tin (Nay là Bộ VHTT&DL) xếp hạng thắng cảnh cấp Quốc gia tại Quyết định số 51 QĐ/BT ngày 12/01/1996.

             2. Di tích lịch sử - Văn hoá cấp Quốc gia Vạn An Thạnh

Vạn An Thạnh tọa lạc trên một bãi cát trắng sát cạnh bờ biển thuộc thôn Triều Dương, xã Tam Thanh. Tên gọi Vạn An Thạnh nói lên ước nguyện có một cuộc sống an khang, thịnh vượng của bà con ngư dân nơi đây. Vạn thờ cá Ông, thờ Thành hoàng bổn xứ và Tiền hiền, Hậu hiền. Vạn An Thạnh được tạo dựng vào năm Tân Sửu (1781) và có niên đại sớm nhất so với các vạn khác ở Phú Quý. Nơi đây còn lưu giữ bộ xương cá Nhà Táng thuộc họ cá Voi, bộ xương có chiều dài trên 17m, có 50 đốt xương, cá có 30 đôi răng mọc ở hàm dưới, bộ xương đã được phục dựng và hiện đang trưng bày tại Nhà trưng bày xương cá Voi trong khuôn viên của vạn.

Description: http://phuquy.binhthuan.gov.vn/wps/wcm/connect/b3ac6a004168d058abf6fbac7ee62e87/1/Van+an+thanh+6.6.17.jpg?MOD=AJPERES&CACHEID=b3ac6a004168d058abf6fbac7ee62e87/1 Description: D:\TL Nghia\HA PQ\10-ly-do-xach-ba-lo-len-du-lich-dao-phu-quy-mot-lan-ivivu-16.jpg

 Ngoài những giá trị văn hóa dân gian truyền thống Vạn An Thạnh là một bảo tàng văn hóa biển với nhiều sưu tập những chủng loại cá voi và rùa da. Có thể xếp vào hạng các bảo tàng về biển có niên đại cổ xưa trên thế giới. Vạn An Thạnh như một chứng nhân bao đời của lịch sử vùng đảo với hững giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và văn học dân gian sẽ được kế thừa và tiếp tục phát triển. Vạn An Thạnh được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích cấp Quốc gia, tại Quyết định số 51/QĐ/BT ngày 12/01/1996.

 3. Di tích lịch sử cấp Quốc gia Đền thờ Công chúa Bàn Tranh

CCBTTruyền thuyết kể rằng: Công chúa Bàn Tranh vì không nghe lời vua cha nên bị kết tội phản nghịch và bị lưu đày ra hoang đảo. Nàng được ban cho một số nô tỳ để hầu hạ và một chiếc thuyền buồm làm phương tiện ra đi. Khi đến đảo họ bắt đầu vỡ đất, làm nương, câu cá và tạo lập cuộc sống mới trên đảo hoang. Công chúa Bàn Tranh là người có công đầu trong việc đưa lên đảo những giống lương thực, hoa màu và hướng dẫn người dân trên đảo khai khẩn đất đai làm ruộng vườn, hình thành xóm làng và chỉ dạy người dân cách trồng trọt, làm nghề…. Với những công lao to lớn đó, người Chăm nói riêng và nhân dân trên đảo Phú Quý nói chung đã tôn vinh gọi Đền thờ Công chúa Bàn Tranh hay đền thờ bà Chúa Xứ.

Lễ hội Đền thờ Công chúa Bàn Tranh diễn ra vào ngày mùng 3 tháng giêng âm lịch đây cũng là ngày kỵ của Bà. Do lễ hội diễn ra đúng vào dịp tết Nguyên Đán nên thu hút hầu như toàn bộ người dân trên đảo tham gia. Đền thờ Công chúa Bàn Tranh là di tích mang nhiều dấu ấn, giá trị về văn hóa, lịch sử, phản ánh rõ nét quá trình tiếp biến, giao thoa văn hóa giữa người Việt và người Chăm trong quá trình lịch sử giữa vùng biển đảo xa xôi. Đồng thời thể hiện nét đẹp trong đời sống văn hóa dân gian của cộng đồng cư dân Phú Quý từ trước đến nay. Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật nói trên, Đền thờ Công chúa Bàn Tranh được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia, tại Quyết định số: 227/QĐ-BVHTTDL ngày 28/01/2015.

4. Di tích lịch sử - Văn hoá Cấp tỉnh Đền thờ thầy Sài Nại

Đền thờ (Dinh Thầy) được người dân trên đảo xây dựng vào cuối thế kỷ XVII để thờ thầy Sài Nại. Thầy Sài Nại là tên gọi kính cẩn của người dân trên đảo đối với vị thương gia người Hoa đã có công bảo bọc, chở che và cưu mang người dân xứ đảo qua nhiều thế hệ. Đền thờ tọa lạc trên một ngọn đồi cao tại thôn Phú An, xã Ngũ Phụng (riêng mộ của Thầy nằm ở Thôn Đông Hải, xã long Hải).  

   

           Truyền thuyết về thầy Sài Nại được người dân Phú Quý lưu truyền rằng: Thầy Sài Nại vốn là nhà địa lý, nhà thiên văn tài ba người Hoa. Thầy thường theo các thuyền buôn của người Hoa vượt đại dương đến nhiều nước trên thế giới để hành nghề. Qua nhiều chuyến hải trình, có lần Thầy và các thủy thủ đoàn ghé lên đảo Phú Quý để nghỉ ngơi, từ đó Thầy mới phát hiện địa hình, địa thế đảo Phú Quý là vùng địa linh so với các hòn đảo khác. Chính vì thế sau khi rời đảo, Thầy đã thổ lộ với các thủy thủ đoàn và gia đình ước nguyện của mình là khi qua đời hãy đưa tro cốt của Ông tới đảo Phú Quý an táng.

Đền thờ thầy Sài Nại là di tích mang nhiều dấu ấn, giá trị về văn hóa, lịch sử, phản ánh rõ nét quá trình tiếp biến, giao thoa văn hóa giữa người Việt và người Hoa trong quá trình chung sống giữa vùng biển đảo xa xôi. Đồng thời thể hiện nét đẹp trong đời sống văn hóa dân gian của cộng đồng cư dân Phú Quý từ trước đến nay. Trải qua hơn 300 năm tồn tại, được các thế hệ người người Chăm rồi đến người Việt của các làng trên đảo kế tiếp nhau trông nom, tôn tạo, thờ phụng và thực hiện các nghi thức tế lễ theo đúng tập tục xưa. Với những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể còn bảo lưu, gìn giữ đến hôm nay, UBND tỉnh Bình Thuận đã công nhận Đền thờ thầy Sài Nại là Di tích Lịch sử Văn hóa Cấp Tỉnh tại Quyết định số 1993/QĐ-UBND ngày 07/9/2010.

5. Di tích lịch sử - Văn hoá Cấp tỉnh Đền thờ Bà Chúa Ngọc và Vạn Thương Hải

Đền thờ bà Chúa Ngọc và Vạn Thương Hải được tạo dựng vào giữ thế kỷ XIX nằm trên địa phận thôn Thương Châu, xã Ngũ Phụng. Quần thể kiến trúc của di tích tuy được bố trí trong cùng một khuôn viên nhưng có hai chức năng thờ phụng khác nhau. Nhìn từ hướng đối diện thì ngôi chính điện bên tả thờ bà Chúa Ngọc (còn gọi là Pô Inư Nagar hay Thiên Ya Na Diễn Ngọc Phi - một vị nữ thần được người Chăm tôn vinh là bà mẹ Xứ Sở). Ngôi chính điện bên hữu thờ ông Nam Hải (cá Voi) và các bậc Tiền, Hậu hiền có công quy tập dân cư đến khẩn hoang, sinh cơ lập nghiệp, lập làng theo tín ngưỡng ngư nghiệp.

Hàng năm, tại đền thờ bà Chúa Ngọc và Vạn Thương Hải diễn ra hai kỳ tế lễ chính: Tế Xuân vào tháng giêng âm lịch và tế Thu vào tháng tám âm lịch.

Trải qua hơn thế một kỷ tồn tại, Đền thờ bà Chúa Ngọc và Vạn Thương Hải đã được sửa chữa, trùng tu nhiều lần. Với những giá trị di tích độc đáo và đặc sắc, Đền thờ bà Chúa Ngọc và Vạn Thương Hải được UBND tỉnh Bình Thuận xếp hạng Di tích lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số: 2958/QĐ-UBND ngày 16/11/2007.

6. Di tích lịch sử - Văn hoá Cấp tỉnh Vạn Mỹ Khê (Lăng Cô)

Description: D:\TL Nghia\HA PQ\Lang My Khe.jpg Vạn Mỹ Khê được tạo lập từ năm 1785, đến nay đã trải qua hơn 2 thế kỷ. Vạn là thiết chế tín ngưỡng dân gian gắn liền với tập tục thờ cúng cá voi của ngư dân làng Mỹ Khê qua nhiều thế hệ trong cuộc sống mưu sinh trên biển đảo. Sự tồn tại của di tích này gắn liền với quá trình khai khẩn đất đai, tạo lập làng xóm và xây dựng lăng vạn của các thế hệ cha ông ngày trước.

Hàng năm, tại vạn Mỹ Khê diễn ra 3 kỳ tế lễ chính vào dịp xuân - thu nhị kỳ theo tập tục “Xuân cầu Thu báo”. Lễ tế Xuân diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng giêng đến tháng ba âm lịch. Lễ kỵ Cố vào ngày 20 tháng tư âm lịch, đây là lễ tế vị thần Nam Hải đầu tiên lụy và trôi dạt vào bờ được ngư dân làng Mỹ Khê làm lễ an táng, thượng ngọc cốt và đưa vào lăng tẩm để thờ phụng theo tập tục, tín ngưỡng dân gian lâu đời của ngư dân vùng biển. Mục đích của nghi lễ này để khẩn cầu thần Nam Hải phù trợ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, thuyền ra khơi đánh bắt đầy tôm cá. Tế Thu trong khoảng thời gian từ tháng bảy đến tháng chín âm lịch, mục đích của nghi lễ này để tạ lễ, báo đáp thần Nam Hải đã phù hộ, độ trì và bảo trợ cho dân làng qua một năm làm ăn gặp nhiều thuận lợi, may mắn để có một cuộc sống khấm khá và sung túc.

Với những giá trị văn hoá đặc sắc, Vạn Mỹ Khê được UBND tỉnh Bình Thuận xếp hạng di tích lịch sử - Văn hoá Cấp tỉnh tại Quyết định số 2154/QĐ-UBND ngày 30/10/2012.

7. Di tích lịch sử Văn hoá cấp tỉnh Đình - Vạn Hội An

Đình - Vạn Hội An được tạo dựng vào cuối thế kỷ XVIII để thờ Thành hoàng Bổn cảnh, thần Nam Hải và các bậc Tiền hiền, Hậu hiền của làng theo tín ngưỡng của cư dân sống bằng nghề nông và ngư nghiệp.

Đình và Vạn Hội An tọa lạc ở thôn Triều Dương, xã Tam Thanh. Đây là thiết chế tín ngưỡng dân gian hàm chứa hai chức năng thờ phụng chính gắn với sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng người Việt theo quan niệm thần Thành hoàng che chở, bảo trợ cho làng xã; thần Nam Hải (cá voi hay cá ông) cứu giúp ngư dân trên biển theo tín ngưỡng ngư nghiệp truyền thống của người dân vùng biển. Ngoài ra, tại di tích còn thờ các bậc Tiền hiền, Hậu hiền có công quy tụ dân cư khẩn hoang lập làng, dựng đình và vạn ngày trước.

Hàng năm, tại Đình - Vạn Hội An diễn ra 3 kỳ tế lễ chính vào dịp xuân - thu nhị kỳ theo tập tục “Xuân cầu Thu báo” và lễ kỵ Cố vào ngày mùng 01 tháng sáu âm lịch. Đình - Vạn Hội An được UBND tỉnh Bình Thuận xếp hạng Di tích lịch sử - Văn hoá cấp tỉnh tại Quyết định số 2155/QĐ-UBND ngày 30/10/2012.

8. Di tích lịch sử - Văn hoá cấp tỉnh Đình làng Triều Dương

Đình Triều Dương là nơi tôn thờ Thành hoàng Bổn cảnh và các bậc tiền nhân đã có công khai mở đất và tạo lập làng. Theo tài liệu để lại, Đình làng Triều Dương được khởi dựng vào năm 1773. Đình làng Triều Dương là loại hình di tích kiến trúc dân gian gắn với đời sống nông, ngư nghiệp của nhân dân, là nơi thờ Thành hoàng Bổn cảnh, các vị thần linh và các bậc tiền nhân đã có công bảo trợ, khai phá đất đai và tạo lập xóm làng. Đình làng Triều Dương là tên gọi gắn với quá trình hình thành làng, xây dựng đình và đặt tên đình mang tên làng theo phong tục, tập quán của người Việt trong hành trình Nam tiến khai phá đất đai tạo lập cuộc sống mới.

Qua hơn 2 thế kỷ, Đình làng Triều Dương vẫn không thay đổi và vẫn lưu giữ tên gọi xưa, điều đó thể hiện và khẳng định nét đặc trưng của văn hóa làng mà hạt nhân là ngôi đình vẫn trường tồn mãi mãi. Chính những giá trị văn hóa còn được bảo lưu gìn giữ, Đình làng Triều Dương được UBND tỉnh Bình Thuận công nhận Di tích lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số 2959/QĐ-UBND ngày 16/11/2007.

            9. Di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh Đình làng Long Hải

Description: http://phuquy.binhthuan.gov.vn/wps/wcm/connect/b3ac6a004168d058abf6fbac7ee62e87/8/dinh+lang+Lh+6.6.17.jpg?MOD=AJPERES&CACHEID=b3ac6a004168d058abf6fbac7ee62e87/8

Đình làng Long Hải (hay còn gọi là nhà vuông, nhà ông cha) được khởi dựng vào cuối thế kỷ XVIII, là nơi thờ Thành hoàng Bổn cảnh, các bậc Tiền hiền, Hậu hiền có công quy tập dân chúng khẩn hoang lập làng và dựng đình; đồng thời đình còn là nơi hội họp, giải quyết những công việc hệ trọng của làng và là nơi sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của cộng đồng làng xã.

Hàng năm tại Đình làng Long Hải tổ chức hai đợt tế lễ: tế Xuân diễn ra vào tháng giêng hoặc tháng hai âm lịch, tế Thu vào tháng bảy hoặc tháng tám âm lịch. Trải qua hơn 200 năm tồn tại, Đình làng Long Hải được nhiều thế hệ người dân địa phương đóng góp công sức, tiền của để dựng đình và trùng tu, tôn tạo. Đây là một trong những di tích lịch sử - văn hóa chứa đựng nhiều giá trị về văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu và đặc sắc ở đảo Phú Quý.

Với những di tích động sản và bất động sản còn bảo lưu nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật…Nơi đây còn lưu giữ một số di sản tư liệu Hán Nôm và di vật có giá trị gắn với lịch sử, văn hóa của làng Long Hải nói riêng và đảo Phú Quý hơn 200 năm về trước. Chính vì vậy Đình làng Long Hải được UBND tỉnh Bình Thuận xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số: 1995/QĐ-UBND ngày 7/9/2010.

10. Di tích lịch sử - văn hoá Cấp tỉnh Đền thờ bà Chúa Ngọc (Miếu Cây Da)

Description: http://phuquy.binhthuan.gov.vn/wps/wcm/connect/b3ac6a004168d058abf6fbac7ee62e87/9/mieu+cay+da+6.6.17.jpg?MOD=AJPERES&CACHEID=b3ac6a004168d058abf6fbac7ee62e87/9Đền thờ bà Chúa Ngọc tọa lạc tại thôn Quý Hải, xã Long Hải, là thiết chế tín ngưỡng dân gian được người Việt trên đảo tạo dựng vào nửa đầu thế kỷ XIX để thờ nữ thần Thiên Ya Na mà người Chăm gọi là Pô Ina Nagar - thần mẹ Xứ Sở. Người Việt tôn thờ Thiên Ya Na với ước nguyện cầu mong Bà phù hộ, độ trì cho công việc mưu sinh gặp nhiều may mắn, cuộc sống ấm no và hạnh phúc. Bên cạnh Thiên Ya Na là vị thần được thờ phụng chính tại di tích, tại đền còn thờ Bạch Mã Thái Giám, các bậc Tiền hiền và Hậu hiền đã có công khai mở đất đai, tạo lập xóm làng và dựng đền.

Tại đây hàng năm diễn ra 3 kỳ tế lễ chính: tế Xuân vào ngày 12 tháng giêng, tế Thu vào tháng tám hoặc tháng chín và lễ kỵ Bà (giỗ Bà) vào ngày mùng 8 tháng mười âm lịch. Đền thờ bà Chúa Ngọc chứa đựng nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa cả về vật thể và phi vật thể gắn với đời sống tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng người Việt ở xã Long Hải nói riêng và huyện Phú Quý nói chung. Từ khi tạo lập đến nay, đền thờ bà Chúa Ngọc luôn giữ một vị trí và vai trò quan trọng trong đời sống và sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng dân cư địa phương. Chính vì vậy, UBND tỉnh Bình Thuận đã xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh tại Quyết định số 3020/QĐ-UBND ngày 12/9/2014.

 11. Danh lam thắng cảnh Chùa Linh Sơn - núi Cao Cát

 Chùa Linh Sơn - núi Cao Cát được tạo dựng vào đầu thế kỷ XX. Nơi đây là một quần thể thắng cảnh tuyệt đẹp và thơ mộng. Không chỉ là địa điểm hành hương, mà chùa Linh Sơn còn mang đến cho bạn một chuyến du ngoạn kỳ thú, một cơ hội chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên đặc sắc. Được ngắm sóng biển mênh mông, núi non hùng vĩ, cảm nhận sự yên ả của chốn thanh tịnh, chắc hẳn tinh thần của bạn sẽ trở nên thư thả, sảng khoái sau chuyến đi

Description: D:\TL Nghia\HA PQ\ngoan-canh-chua-linh-son-noi-dao-xa-ivivu-1.jpg      

Du khách đến Phú Quý không nên bỏ qua cơ hội đến đỉnh núi phóng tầm mắt ngắm nhìn toàn bộ đảo Phú Quý đẹp như một bức tranh sơn thủy hữu tình. Không khí nơi đây trong lành mát dịu tạo cảm giác dễ chịu cho du khách sau bao ngày làm việc căng thẳng mệt mỏi.

Đây cũng là nơi thu hút nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, vãn cảnh. Từ Chùa Linh sơn chúng ta có thể ngắm nhìn toàn bộ khung cảnh hùng vĩ của thiên nhiên. Trên đỉnh núi những vách đá xoắn trôn ốc tạo nên sự kỳ bí huyền diệu, đến đây du khách như đang lạc vào thời tiền sử.

12. Chùa Linh Bửu Phú Quý

Chùa Linh Bửu tọa lạc tại thôn Phú An, xã Ngũ Phụng, huyện Phú Quý. Chùa nằm trên sườn núi Cấm thanh tịnh, ngọn núi cao nhất của huyện đảo. Phong cảnh nơi đây rất u nhàn tịch mịch. Khởi nguyên Chùa được xây dựng vào năm 1968 với kiến trúc đơn sơ để có nơi tín đồ sinh hoạt, gồm ngôi chánh điện và nhà giảng. Năm 1999 tín đồ xây dựng nơi đây một Bảo Tháp rất uy nghi tổng hợp hài hòa giữa nét văn hóa Thái Lan và Việt Nam để tôn trí nhục thể của Hòa thượng Thích Tường Kim. Vào năm kỷ mão Ban Hộ tự Chùa Linh Bửu phát tâm đại trùng tu thành một ngôi phạm vụ trang nghiêm. Linh Bửu Tự là biểu tượng kiến trúc dặc thù của nền văn hóa phật giáo Việt Nam hòa nhập, tô thắm nét đẹp cho ngọn Cấm sơn hùng vị, Chùa nằm trên sườn núi, là nơi sinh hoạt và hành lễ của phật tử trong đời sống tâm linh, một danh lam thắng cảnh hữu duyên yên tịnh, đồng thời là điểm dừng chân lý tưởng để khách thập phương hành hương đến thăm viếng, nghỉ ngơi và tiếp sức cho chặng đường tham quan ngọn đuốc Hồ Chí Minh và ngọn Hải đăng hùng vĩ trên ngọn núi cao nhất huyện đảo Phú Quý.

 13. Đuốc Bác Hồ

 Đuốc Bác được khánh thành vào năm 2011. Ngọn đuốc cao 19,5m, gợi nhớ đến ngày 19/5 - ngày sinh của Bác Hồ. Vị trí xây dựng ngọn đuốc được thiết kế thành sân lễ, có đặt tượng đài Bác bằng đá trắng non nước nguyên khối nặng gần 1 tấn. Con đường từ Chùa Linh Bửu đến nơi dựng đuốc Bác uốn lượn theo triền núi dài gần 300m, gồm một đoạn bằng phẳng được tráng bê tông và 2 đoạn xây đá theo bậc tam cấp. Đây là nơi cán bộ, nhân dân huyện đảo Phú Quý thường xuyên tổ chức viếng Bác, báo công với Bác vào những ngày lễ, tết những lúc diễn ra các sự kiện trọng đại của địa phương nhằm giáo dục, nhắc nhở các thế hệ trẻ trên đảo cùng chung sức, chung lòng xây dựng đảo ngày càng giàu đẹp, vững mạnh, xứng đáng là đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Hiện nay, ngọn đuốc Hồ Chí Minh không chỉ là nơi sinh hoạt chính trị mà còn là một điểm tham quan du lịch không thể bỏ qua của du khách mỗi khi đến đảo Phú Quý.

 

 
 

                  14. Bãi tắm Vịnh Triều Dương


       Vịnh Triều Dương là địa điểm quen thuộc với nhiều người dân địa phương và du khách gần xa, với bãi cát trắng, mịn trải dài lấp lánh dưới ánh nắng dịu nhẹ cùng làn gió mang vị mặn của biển, là nơi thích hợp nhất để cho du khách đắm mình trong làn nước biển trong xanh mát lạnh, khiến người ta cảm thấy tâm hồn tươi mát và thoải mái hơn. Đặc biệt hơn mỗi khi hoàng hôn xuống, thật dễ chịu khi nằm trên bãi cát và lắng nghe những âm điệu ru dương của tiếng sóng biển rì rào hòa cùng tiếng gió biển vi vu, thật thú vị và lãng mạng khi được ngắm nhìn hoàng hôn buông dần trên nền cát trắng. Với vẻ đẹp đấy quyến rũ, Vịnh Triều Dương luôn để lại trong lòng chúng ta một cảm giác khó quên khi rời khỏi nơi đây.

 

 15. Hải Đăng Phú Quý


         Núi Cấm là một ngọn núi cao nhất trong ba ngọn núi ở Đảo Phú Quý, nằm ở độ cao 108m so với mực nước biển, trên đỉnh núi Cấm có một ngọn Hải Đăng thuộc loại lớn nhất Việt Nam. Hải đăng Phú Quý cao 18m, tháp đèn hình vuông. Bên dưới chân tháp là tòa nhà 2 tầng. Đèn Hải đăng có tầm chiếu xa 22 hải lý, tọa độ của đèn là 10 độ 32’05’’ vĩ độ Bắc, 108 độ 55’07’’ kinh độ Đông.” Ngọn Hải đăng này giúp tàu thuyền hoạt động trong vùng biển Phú Quý xác định được vị trí an toàn. Muốn chinh phục ngọn Hải đăng, du khách phải đi bộ, leo núi với hơn 120 bậc đá theo sườn núi. Từ đây chúng ta có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn toàn cảnh Phú Quý xinh đẹp và hữu tình.

 
 

 16. Bãi nhỏ Gành Hang

     Bãi nhỏ - Gành Hang là một trong những bãi tắm đẹp của Phú Quý. Nơi đây còn rất hoang sơ với bờ cát trắng, mịn màng tinh khiết, nước biển trong xanh mát lạnh, những mỏm đá huyền nham với nhiều hình thù kỳ thú, không khí trong lành, là nơi lý tưởng cho bất cứ du khách muốn hòa mình vào với thiên nhiên. Bãi nhỏ - Gành Hang thích hợp với nghỉ dưỡng, tắm biển, lặn biển…Vào những lúc trời yên biển lặng, Bãi nhỏ - Gành Hang chính là thiên đường cho du khách muốn trải nghiệm nơi đây, bởi không gian du dương, tĩnh lặng đầy nét hoang sơ của nó.

 

        

         

17. Cột cờ Phú Quý

       Cột cờ Tổ quốc ở Phú Quý được xây dựng vào đấu năm 2015 và hoàn thành từ tháng 8/2015. Cột cờ Phú Quý được dựng trên ngọn đồi Gành Hang (thuộc địa phận thôn Triều Dương, xã Tam Thanh) ở độ cao 45m so với mực nước biển. Do đứng ở địa thế đẹp, không gian thoáng mát nên thơ, nên từ xa chúng ta có thể nhìn thấy cột cờ hiện ra sừng sững và uy nghi.

          Từ cột cờ nhìn ra xung quanh, cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, bên Tây là màu xanh mướt của thảm thực vật, bên Đông là biển cả xanh biếc. Tất cả vẽ nên một bức tranh đầy hào hùng và thanh bình nơi hải đảo. Cột cờ Phú Quý là địa điểm được ưu tiên đến thăm của du khách mỗi khi đến đảo. Cột cờ còn là điểm sinh hoạt truyền thống của thế hệ trẻ Phú Quý và là điểm đến của du khách trong những chuyến hành trình về với biển đảo. Đây là một nơi trải nghiệm, để khám phá nét đặc biệt của Phú Quý.


Các bài viết khác