Phú Quý tourist
Phú Quý
Phú Quý Travel

Về phát triển du lịch biển, đảo Phú Quý

Theo số liệu của ngành Văn hóa – thông tin, năm 2014, Phú Quý đã thu hút 6.500 lượt khách đến đảo. Đây là số liệu đáng mừng, chứng tỏ trong năm qua ngành “công nghiệp không khói” ở Phú Quý đang có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, khi nhìn lại tiềm năng to lớn của đảo thì con số này còn khá khiêm tốn. Xuất phát từ nhận thức trên tôi xin nêu ra đây một vài thế mạnh và những việc cần làm, nhằm góp phần làm “cất cánh” ngành du lịch của địa phương.
 
Những thế mạnh du lịch của biển đảo Phú Quý
 
Do lịch sử kiến tạo địa chất, đảo Phú Quý được hình thành từ hoạt động phun trào của núi lửa, tạo nên một quần thể cảnh quan thiên nhiên hài hòa mà đa dạng với núi đồi, đá tảng xếp chồng chênh vênh lên nhau như trò chơi của tạo hóa, bãi biển uốn lượn, hùng vĩ. Đó là những kỳ quan địa mạo – địa chất quan trọng. Được biết, vào năm 2010, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch Phú Quý là 1 trong 16 khu bảo tồn biển của cả nước.
 
Cảnh quan thiên nhiên đảo Phú Quý – Ảnh: Ng. Duy Thiệu
 
Đất Phú Quý là như vậy. Còn các dòng tộc người Việt ở Phú Quý chính là những người dân can trường với sóng gió Biển Đông. Từ thế kỷ thứ 10, một số gia đình ở miền Trung Trung bộ trên đường đi đánh cá gặp bão đã trôi dạt đến đảo Phú Quý, từ đây những gia tộc đầu tiên của đảo được hình thành, ban đầu là họ Huỳnh, sau là Nguyễn và tiếp đến là họ Châu. Sang thế kỷ 17, một số cư dân trên đường đi lánh nạn binh đao trong cuộc phân tranh Trịnh – Nguyễn (1627 - 1672) hay đi đánh cá gặp bão cũng tìm đến Phú Quý rồi định cư lâu dài, tạo lập cuộc sống mới. Từ đây, nhiều công trình kiến trúc lâu đời, các di sản và thiết chế văn hóa truyền thống được hình thành mang đậm nét văn hóa của biển khơi.
 
Những lễ nghi truyền thống dân tộc mang đậm nét văn hóa biển - Ảnh: T.D
 
Phú Quý đất hẹp (17,82 km²), người đông (khoảng hơn 27 nghìn người). Với ngành kinh tế biển chủ đạo, trong những năm qua được tập trung đầu tư phát triển cả khai thác đánh bắt, chế biến và nuôi trồng. Hải sản Phú Quý ngon, tươi sống, là những sản phẩm làm nức lòng du khách mỗi khi được thưởng thức.
 
Vài nét trên đây cũng có thể gợi mở cho nhiều người đến với Phú Quý để tận mắt nhìn thấy những điểm độc đáo, những nét văn hóa, lịch sử, tính cách mạnh mẽ, kiên cường của người dân Phú Quý, một hải đảo nằm ở cực đông tỉnh Bình Thuận, cách đất liền khoảng 120 km (56 hải lý), là một trong những địa phương mà hiện nay cả nước quan tâm vì người dân Phú Quý đang  ngày đêm bám biển, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
 
Từ một xã nghèo thuộc huyện Bắc Bình, đến 15/12/1977, được tách ra thành lập huyện đảo Phú Quý. Nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, Phú Quý ngày một phát triển về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, quốc phòng - an ninh.
 
Gần đây, vào tháng 7/2014, nguồn điện được phát 24/24 giờ/ngày, đã mở ra một thời kỳ mới cho Phú Quý. Những năm qua, nhờ giao thông đường biển từ đất liền ra đảo được cải thiện, giao thông trên đảo được tăng cường nên khách khắp nơi trong tỉnh, trong nước và có cả khách quốc tê đến đảo ngày một đông để công tác, giao lưu văn hóa, giao thương kinh tế, nghiên cứu lịch sử và thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên, biển cả...
 
Những việc cần làm cho ngành du lịch Phú Quý
 
Để thu hút được khách đến Phú Quý ngày càng nhiều, còn nhiều việc phải làm nhưng chủ yếu phải cần tập trung vào các việc sau đây:
 
Trước hết, tiếp tục tăng cường, đầu tư tàu tổ chức công tác vận tải hàng hóa và hành khách, tăng số lượng, chất lượng tàu biển, tăng chuyến trong ngày, giảm số giờ di chuyển trên biển và đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và tài sản. Tổ chức đưa đón khách, hàng hóa tuyến Phan Thiết – Phú Quý và ngược lại hợp lý, thuận tiện, khoa học, an toàn và dịch vụ đi kèm chất lượng.
 
Xây dựng, nâng cấp các cơ sở lưu trú, đặc biệt các nhà nghỉ, nhà khách dọc bờ biển, kèm với đó là việc nâng cao chất lượng phục vụ. Hiện nay toàn đảo chỉ mới có 18 cơ sở lưu trú, con số này còn quá khiêm tốn!
 
Quy hoạch, chỉnh trang lại các bãi tắm. Dọc các bãi tắm phải có biển chỉ dẫn về mực nước, phạm vi tắm, tốc độ dòng chảy, vùng xoáy, bãi đá ngầm,… phải bố trí lực lượng túc trực để xử lý nếu có sự cố (nếu có); phải trang bị các phương tiện cứu hộ,… có phòng tắm nước ngọt, có chỗ chụp ảnh.
 
Ngắm bình minh trên đảo Phú Quý cũng là một trải nghiệm thú vị - Ảnh: T.D
 
Tổ chức tốt các tour du lịch, hướng dẫn khách tham quan các địa điểm đẹp, nổi tiếng trên đảo. Để làm được điều này, cần một đội ngũ hướng dẫn viên am hiểu về lịch sử - văn hóa của đảo, đời sống, phong tục của người dân, về khả năng ngoại ngữ; các di tích, các thắng cảnh cần phải có người túc trực thường xuyên để hướng dẫn mỗi khi có khách tham quan.
 
Củng cố, phát triển hệ thống thông tin, liên lạc; đặc biệt là đường truyền Internet, chất lượng sóng truyền hình. Ngoài ra, cần kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch cho đảo; các công ty du lịch ở Phú Quý cần phối hợp tốt hơn với các công ty du lịch khác trong tỉnh và các tỉnh bạn để phục vụ du khách. Nghiên cứu, chọn và hình thành món ăn đặc sản, các mặt hàng lưu niệm đặc trưng cho Phú Quý.
 
Đây chỉ là vài suy nghĩ mang tính gợi ý, hy vọng trong thời gian tới ngành du lịch của địa phương sẽ khởi sắc và quyến rũ hơn trong mắt du khách./.
 
THÀNH DANH
 
Các bài viết khác