Phú Quý tourist
Phú Quý
Phú Quý Travel

Tổng quan về lịch sử hình thành và văn hóa huyện Phú Quý

          Để giúp mọi người hiểu rõ hơn về nguồn gốc hình thành, lịch sử văn hóa huyện Phú Quý từ xưa đến nay theo một cách có hệ thống, xin giới thiệu khái quát một số nội dung trong Đề tài: “Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đảo Phú Quý phục vụ phát triển du lịch” do Bảo tàng Bình Thuận thực hiện giai đoạn 2005-2007. Bằng nguồn tài liệu nghiên cứu thu thập được, đề tài còn trực tiếp hoặc gián tiếp giới thiệu và quảng bá cho các cơ quan nghiên cứu khoa học như Viện Lịch sử Việt Nam, Viện Khảo cổ học, Viện Dân tộc học, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian, Ngành Bảo tồn bảo tàng… biết để nghiên cứu thêm về một hòn đảo nhỏ nhưng chứa đựng nhiều giá trị lịch sử - văn hóa của đất nước.
            Đây có lẽ là đề tài phản ánh đầy đủ nhất, sinh động nhất về tổng quan huyện Phú Quý. Hi vọng những nội dung trong đề tài sẽ giúp ích tích cực cho nhân dân, học sinh, sinh viên Phú Quý và du khách sẽ có cái nhìn toàn diện hơn, tổng quan hơn về huyện đảo Phú Quý.
            Trong những năm 1987 - 1994, Bảo tàng Bình Thuận đã tổ chức nhiều đợt khảo sát, thăm dò khảo cổ học tại đảo Phú Quý. Bước đầu đã tìm thấy nhiều dấu tích khảo cổ học như công cụ lao động bằng đá cuội, hàng ngàn mảnh gốm vỡ vốn là các đồ dùng trong sinh hoạt và lao động của người xưa. 
            Sau năm 1994, Bảo tàng Bình Thuận đã phối hợp với Viện Khoa học xã hội và nhân văn tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức nhiều đợt khảo sát, thăm dò, sưu tầm và nghiên cứu khảo cổ học trên toàn địa bàn đảo Phú Quý. Kết quả các đợt nghiên cứu khảo cổ học đã đưa ra kết luận từ hơn 3000 năm trước, trên đảo Phú Quý đã có cuộc sống của người nguyên thủy, mà bằng chứng rõ ràng là những dấu tích còn để lại với quy mô tương đối dày trong các di chỉ, các tầng văn hóa khảo cổ trên đảo.
 Tìm hiểu giai đoạn tiền sơ sử ở Phú Quý, với quy mô nghiên cứu lớn hơn, khoa học hơn để thấy được mối liên hệ về mặt lịch sử giữa Phú Quý với các đảo trong hệ thống đảo ven bờ của Việt Nam, cũng như giữa Phú Quý với các vùng miền khác trong đất liền ở giai đoạn lịch sử quan trọng trong tiến trình lịch sử dân tộc. Để xóa đi khoảng trắng Phú Quý trên bản đồ khảo cổ học Việt Nam; năm 2002, Viện khảo cổ học Việt Nam đã cử hai tiến sĩ tổ chức một đợt nghiên cứu thực địa và điều tra khảo cổ học tại đảo Phú Quý.
           Trong đợt điều tra này, đoàn nghiên cứu của Viện khảo cổ học Việt Nam đã tiếp xúc với một số di vật, chủ yếu là công cụ đá mài toàn thân do người dân Phú Quý phát hiện ngẫu nhiên trong quá trình cày xới đất làm ruộng, rẫy hiện lưu giữ tại nhiều gia đình trên đảo. Theo những thông tin mà đoàn nghiên cứu nắm được, trong thời gian từ năm 1949 đến năm 1996, người dân Phú Quý đã phát hiện được một số mộ vò, 31 công cụ đá mài (có 2 chiếc nằm trong mộ) và một rìu đồng. Phát hiện đáng chú ý nhất từ trước đến nay của người dân Phú Quý là tìm thấy một chiếc mộ vò lớn bên trong có 3 rìu, bôn đá tại khu rẫy phía sau núi Cao Cát (Long Hải) của ông Nguyễn Sơn từ năm 1949. Rất tiếc là các di vật này đến nay đã bị thất lạc. Năm 1996, trong lúc làm rẫy ở sát vế phía Đông Bắc núi Cao Cát, ông Trương Trì đã phát hiện được 13 chiếc rìu bôn bằng đá mài. Số di vật này đã bị đập nhỏ để chia cho các con, cháu, họ hàng dùng làm thuốc giảm sốt và bùa đeo; hiện nay chỉ còn lại 1 chiếc và một mảnh vỡ của một chiếc khác.           
            Năm 1972, ông Trương Quyết ở Ngũ Phụng khi đào móng làm nhà đã phát hiện được một chiếc rìu đá màu đen (dài 9,3cm; rộng đốc 1,6cm; rộng lưỡi 3,5cm; dày đốc 1,5cm; dày nhất ở thân 1,6cm).
 Phần lớn các công cụ đá mài do người dân phát hiện và lưu giữ đến nay đều không còn nguyên vẹn, chỉ còn lại những mảnh vỡ hoặc đã bị mài đến biến dạng bởi vì người ta cho rằng đây là những “lưỡi tầm sét” có tác dụng chữa bách bệnh.

 
           Ngoài việc tiếp kiến các di vật khảo cổ và các chủ nhân phát hiện ra chúng, đoàn nghiên cứu của Viện khảo cổ học Việt Nam còn tiến hành điều tra, khảo sát và thăm dò khảo cổ học ngoài thực địa; qua đó đã phát hiện dấu vết văn hóa cổ ở nhiều nơi trên đảo, trong đó tập trung nhất là xung quanh chân núi Cao Cát và núi Cấm. Trong số các điểm nêu trên, có một số điểm Bảo tàng Bình Thuận đã từng khảo sát và tìm được dấu tích cư trú, mảnh gốm trong các đợt nghiên cứu trước đó.
           Trong đợt khảo sát, nghiên cứu thực địa này, đoàn công tác của Viện khảo cổ học Việt Nam đã mở 9 hố thám sát trong và xung quanh các nơi có di vật xuất lộ, những khu vực trước đây người dân Phú Quý đã tìm thấy các công cụ đá mài gần những bàu nước tự nhiên, đã phát hiện gần 800 mảnh gốm cổ.
           Bên đảo Hòn Tranh, đoàn nghiên cứu của Viện khảo cổ học cũng tìm thấy một số mảnh gốm giống với gốm phát hiện trên đảo lớn. Qua khảo sát cho thấy dấu vết văn hóa cổ tập trung dày đặc nhất ở khu vực trung tâm đảo thuộc xã Ngũ Phụng. Nhưng các di vật được người dân trên đảo phát hiện được lâu nay lại tập trung ở xung quanh chân ngọn núi Cao Cát thuộc xã Long Hải. Trong quá trình điều tra, khảo sát, đoàn cũng đã tìm thấy được 02 đồng tiền cổ, 01 đồng chỉ còn lại phân nửa là đồng Khang Hy Thông Bảo của Trung Quốc (1662 - 1722), đồng còn lại là tiền Việt Nam đúc thời Tự Đức (1848 - 1883).
          Qua đợt khảo sát, thăm dò và nghiên cứu khảo cổ học tại đảo Phú Quý, đoàn nghiên cứu của Viện khảo cổ học đưa ra nhận định: Dấu vết văn hóa cổ ở Phú Quý phân bố khá rộng nhưng tầng chứa di vật mỏng chỉ nằm trong khoảng độ dày từ 0,25 - 0,35m và bị xáo trộn nặng nề bởi sự cư trú và canh tác của nhiều lớp người trên đảo. Hầu hết dấu tích văn hóa thời sơ sử nằm gần các bàu nước tự nhiên, nhiều nơi có lớp cư trú sau đó và lớp cư trú hiện đại. Di tích khảo cổ học Phú  Quý có cả di tích cư trú và di tích mộ táng (mộ vò) nhưng di vật lại không nhiều lắm. Về gốm cổ văn hóa Phú Quý, trừ những mảnh gốm sớm tìm thấy ở Long Hải mang đặc trưng điển hình của giai đoạn văn hóa tiền Sa Huỳnh và Sa Huỳnh sớm; hầu hết số gốm phát hiện được đều mang đặc trưng điển hình của giai đoạn Sa Huỳnh muộn, Chămpa sớm ở kiểu miệng loe không cổ, mép miệng tròn hoặc phẳng, kiểu cổ thấp miệng loe bẻ thành miệng nằm ngang. Trong các kiểu miệng gốm Phú Quý có kiểu miệng loe mép, miệng vê tròn ra ngoài hay mép miệng vê tròn ra ngoài được vuốt cao lên. Đây là kiểu miệng xuất hiện từ những giai đoạn sớm của văn hóa Sa Huỳnh ở Bắc và Trung Trung bộ. Gốm Phú Quý có xương pha cát hạt mịn, đất làm gốm được luyện lọc kỹ, mịn, cứng chắc, độ nung cao, có một lớp áo mỏng và ít được trang trí hoa văn.
          Những công cụ đá mài còn lưu giữ trong nhân dân thường là rìu bôn tứ giác, được chế tác cẩn thận, các tiêu bản được tiếp kiến đều làm bằng đá đen, kết cấu hạt mịn và cứng. Các chứng tích vật chất thu được trong các cuộc điều tra, thăm dò cho thấy các di tích thời sơ sử trên đảo Phú Quý nằm ở giai đoạn muộn của văn hóa Sa Huỳnh đang chuyển dần sang văn hóa Chămpa. Chủ nhân của các di tích này là cư dân Sa Huỳnh muộn, Chămpa sớm. Niên đại của giai đoạn văn hóa này nằm trong khoảng 2500 - 3000 năm cách ngày nay. Nếu tính cả những mảnh gốm sớm trang trí hoa văn chiếu tìm thấy trong một hố thám sát ở gần chân núi Cao Cát xã Long Hải thì chúng ta có thể nghĩ cư dân cổ Việt Nam đã có mặt ở Phú Quý ít ra cũng từ 3000 năm trước.
          Dựa trên các chứng cứ khảo cổ học, các truyền thuyết dân gian, các ngôi mộ cổ, giếng cổ của người Chăm để lại, đền thờ Công chúa Bàn Tranh và các di tích đình, chùa, đền, lăng vạn của người Việt sau này. Có thể khẳng định chủ nhân đầu tiên có mặt trên đảo từ rất xa xưa là cư dân Sa Huỳnh, sau đó là người Chăm và cuối cùng mới đến người Việt. Tuy đến đảo sau nhưng người Việt được coi là chủ nhân chính trong việc khai phá, xây dựng và gắn bó mật thiết với đảo đến tận hôm nay. Với 35 di tích lịch sử - văn hóa và nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể của người Việt được hình thành và tồn tại đến hôm nay đã khẳng định sức sống mãnh liệt và chủ quyền của người Việt Nam trên đảo Phú Quý xa xôi này.
 


            Kế tiếp các di tích khảo cổ học thời tiền sơ sử ở Phú Quý là các di tích mộ cổ, giếng cổ, đền thờ công chúa Bàn Tranh có niên đại từ thế kỷ XIII - XVII của người Chăm để lại. Ngoài những giếng cổ, mộ cổ đã bị thất lạc, vùi lấp theo thời gian, qua khảo sát và thống kê trên toàn đảo hiện còn 5 giếng cổ và 4 ngôi mộ cổ. Cấu trúc của các giếng Chăm cổ thành giếng phía dưới được kè bởi những viên đá xếp san sát và chồng lên nhau theo dạng hình trụ tròn, bên trên lớp đá là 4 tấm ván dày được lắp ghép theo dạng hình trụ vuông. Đây là những giếng Chăm cổ rất quý hiếm còn lại trên địa bàn Bình Thuận. Bên cạnh đó, 4 ngôi mộ cổ của người Chăm phân bố trên địa bàn xã Long Hải được coi là có giá trị quý hiếm, là chứng cứ vật chất chứng minh sự có mặt từ rất sớm của người Chăm trên đảo.
 


          Đảo Phú Quý lúc người Chăm còn sinh sống gọi tên là Koh rong, về sau khi đến tiếp quản đảo người Việt gọi là Cổ Long. Tương truyền vào cuối thế kỷ XVI - đầu thế kỷ XVII, một số ngư dân các tỉnh miền Trung đi đánh cá chuồn ở Cù Lao Ré (tức đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi ngày nay) do gặp dông bão bất ngờ nên thuyền của họ bị đẩy trôi dạt đến đảo Phú Quý. Trước khi rời đảo trở về quê, họ đã vô tình bỏ quên những gấu khoai trên đảo. Lần sau trong các chuyến đi biển, có dịp trở lại đảo họ thấy những gấu khoai kia đã bén rễ, nảy nở tốt tươi và cho những củ khoai to ngon. Thấy đảo Phú Quý có địa thế tốt, nguồn nước ngọt dồi dào, đất đai màu mỡ, ngư trường lắm cá tôm nên họ về quê đưa vợ con, gia đình và những người thân đến đảo khai phá, sinh cơ lập nghiệp.
          Một bộ phận khác là ngư dân các tỉnh vùng Ngũ Quảng trong những chuyến đi biển, thuyền của họ bị đẩy trôi dạt nhiều đợt đến đảo. Do không có phương tiện để về quê nên họ ở lại đảo để làm ăn sinh sống. Mặt khác, do những biến động của bối cảnh lịch sử Việt Nam vào thế kỷ XVI - XVII, đặc biệt là tác động của cuộc phân tranh Trịnh - Nguyễn đã khiến rất nhiều bộ phận cư dân các tỉnh miền Trung, nhất là Bắc Trung bộ phiêu dạt vào Nam lánh nạn theo trào lưu Nam tiến do các chúa Nguyễn khởi xướng để mở mang bờ cõi về phương Nam. Trong đó đảo Phú Quý được coi là hòn đảo bình yên, hấp dẫn đối với các bộ phận di dân trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ. Ngoài ra, do môi trường địa lý tự nhiên, thời tiết, khí hậu các tỉnh Bắc Trung bộ rất khắc nghiệt, lại thường xuyên bị thiên tai, bão tố… đã khiến cho rất nhiều cư dân phải rời bỏ quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của mình đến những vùng đất bình yên đầy hứa hẹn ở phương Nam để khai khẩn, tạo lập cuộc sống  mới, trong đó có Bình Thuận và đảo Phú Quý.
 


          Cùng với người Kinh, một số người Hoa cũng hòa nhập vào cộng đồng cư dân ở Phú Quý. Vào thế kỷ XVII, một số quan lại nhà Minh, sau khi chống nhà Thanh thất bại đã phải trốn ra nước ngoài. Được nhà Nguyễn cho phép, hơn 5.000 Hoa kiều vào khai khẩn các vùng đất phía Nam nước ta như Biên Hòa, Mỹ Tho, Hà Tiên… Từng đoàn thuyền vượt biển tiến về phương Nam, trên đường đi có thuyền đã ghé đảo Phú Quý để tiếp nước ngọt và sửa chữa ghe thuyền và nhiều người đã dừng chân lập nghiệp ở Phú Quý. Người Hoa đến đây sống dựa vào các ngành nghề như dệt tơ lụa, chăn nuôi và buôn bán. Về sau, nhiều người trong số họ làm ăn giàu có đã lần lượt chuyển cư vào các thành phố lớn ở đất liền, chỉ một số ít còn lại trên đảo.
 

 
Dần dà theo thời gian, các luồng di dân người Việt từ các tỉnh miền Trung và Bắc Trung bộ quy tụ đến đảo Phú Quý sinh cơ lập nghiệp ngày càng đông. Khi cuộc sống trên vùng đất mới đi vào ổn định, các làng quê của người Việt trên đảo cũng được hình thành sau đó. Căn cứ vào các tư liệu Hán Nôm cổ của các tộc họ đến đảo đầu tiên còn lưu lại đến ngày nay cho biết bấy giờ trên đảo có 13 làng và 01 ấp, được hình thành trên cơ sở các gia đình thành viên có mối quan hệ về địa lý và dòng tộc ở cố hương trước khi đến đảo lập nghiệp. Tên gọi các làng, ấp đầu tiên được hình thành trên đảo hầu hết được lấy theo tên làng cũ ở cố hương như: Mỹ Khê, Hội An, Triều Dương, Thương Hải, Hải Châu, Thới Hanh, Thới An, Mỹ Xuyên, Tuy Lăng, Phú Ninh, An Hòa, Thoại Hải, Hội Thuyên và ấp Quý Thạnh.
           Khi các làng quê của người Việt trên đảo được hình thành và dân cư ngày càng thêm đông đúc thì người Chăm dần dần rời khỏi đảo trở về đất liền sinh sống. Đối với cộng đồng người Việt, dù có đi đâu, ở đâu, sinh sống trong môi trường, hoàn cảnh nào, bao giờ họ cũng ôm ấp, gìn giữ trong mình dòng máu, tập tục, tôn giáo, tín ngưỡng và truyền thống văn hóa mà tổ tiên, ông bà nơi mảnh đất mà họ đã được sinh ra và lớn lên sáng tạo nên. Chính vì lẽ đó, một khi xóm làng đã định hình, cuộc sống đã ổn định; cộng đồng người Việt trên đảo Phú Quý đã tập trung nhân, tài, vật, lực để xây dựng các thiết chế văn hóa dân gian truyền thống theo tập tục để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh, tôn giáo gắn với đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng giữa vùng biển đảo xa xôi cách trở.
            Tóm lại: Các di tích lịch sử - văn hóa ở Phú Quý được tạo lập khá sớm. Ngoài các di chỉ khảo cổ học thời tiền sử và sơ sử thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh, có niên đại cách ngày nay từ 2000 - 3000 năm, phân bố rải rác trên địa bàn hai xã Long Hải và Ngũ Phụng, nhưng tập trung nhất là xung quanh chân núi Cao Cát và núi Cấm. Những công cụ đá mài còn lưu giữ trong nhân dân, cùng với các chứng tích vật chất thu được trong các đợt điều tra, thăm dò khảo cổ học của Bảo tàng Bình Thuận và Viện Khảo cổ học Việt Nam tại đảo cho thấy di tích thời tiền sơ sử trên đảo Phú Quý nằm ở giai đoạn muộn của văn hóa Sa Huỳnh đang chuyển dần sang văn hóa Chămpa. Chủ nhân của các di tích này là cư dân Sa Huỳnh muộn, Chămpa sớm.
            Như vậy trong suốt mấy ngàn năm qua, con người đã liên tục sinh sống trên đảo Phú Quý, từ Sa Huỳnh qua Chămpa đến người Việt. Quá trình sinh sống các dân tộc Chăm, Kinh, Hoa đã đoàn kết, gắn bó với nhau tạo nên một bản sắc văn hóa riêng tại địa phương. Quá trình nghiên cứu khảo cổ học trên đảo Phú Quý phát hiện được nhiều hiện vật khảo cổ thời tiền sơ sử, chứa đựng nhiều thông tin quan trọng của đời sống xã hội, của các nền văn hóa và các thế hệ người sống trên đảo suốt mấy ngàn năm qua.