Phú Quý tourist
Phú Quý
Phú Quý Travel

Tình hình kinh tế - xã hội Huyện Phú Quý chặng đường sau 30 năm

 Nhìn lại quá trình phát triển 30 năm của huyện nhà (1977 - 2007) có thể nhận thấy sự thay đổi về kinh tế - xã hội hết sức ngoạn mục, từ những năm đầu thành lập huyện hết sức khó khăn nhưng đến nay rất đáng tự hào. Do đặc điểm là một huyện đảo, xa đất liền, những năm đầu thành lập kết cầu hạ tầng, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản không có gì đáng kể. Sản xuất nông nghiệp trong điều kiện đất xấu, ít và không chủ động tưới tiêu nên sản lượng lương thực đạt rất thấp, thu hoạch hàng năm chỉ đạt xấp xỉ 300 tấn (bình quân đạt 13 tạ/ha), hàng năm tỉnh phải chi viện từ 1.000 đến 1.200 tấn lương thực mới đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân; Ngư nghiệp chỉ có 215 thuyền các loại; trong đó có trên 80% là thuyền có công suất nhỏ từ 3 - 23CV, sản lượng đánh bắt hải sản khoảng 280 tấn/năm; lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các ngành phục vụ sản xuất đời sống của nhân dân còn nhiều hạn chế.
 

 
Nhìn lại quá trình phát triển 30 năm của huyện nhà (1977 - 2007) có thể nhận thấy sự thay đổi về kinh tế - xã hội hết sức ngoạn mục, từ những năm đầu thành lập huyện hết sức khó khăn nhưng đến nay rất đáng tự hào. Do đặc điểm là một huyện đảo, xa đất liền, những năm đầu thành lập kết cầu hạ tầng, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản không có gì đáng kể. Sản xuất nông nghiệp trong điều kiện đất xấu, ít và không chủ động tưới tiêu nên sản lượng lương thực đạt rất thấp, thu hoạch hàng năm chỉ đạt xấp xỉ 300 tấn (bình quân đạt 13 tạ/ha), hàng năm tỉnh phải chi viện từ 1.000 đến 1.200 tấn lương thực mới đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân; Ngư nghiệp chỉ có 215 thuyền các loại; trong đó có trên 80% là thuyền có công suất nhỏ từ 3 - 23CV, sản lượng đánh bắt hải sản khoảng 280 tấn/năm; lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các ngành phục vụ sản xuất đời sống của nhân dân còn nhiều hạn chế. Nhiệm vụ chủ yếu của giai đoạn này là cải tạo công - thương nghiệp nhằm xây dựng nền kinh tế mới XHCN theo hướng tập trung bao cấp.

 
 

 Giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới đất nước (1986 - 1995): Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn này là tập trung sức phát triển ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, lấy ngư nghiệp làm trọng tâm để khai thác chế biến và xuất khẩu; đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ phục vụ sản xuất, nâng cao một bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho quân và nhân dân trên đảo (Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ III - 1986). Đây là Nghị quyết mở đầu cho thời kỳ đổi mới của huyện, chỉ trong năm đầu 1987 nhân dân đã đóng mới nhiều tàu thuyền có công suất lớn từ 74CV trở lên và đưa vào sử dụng, nâng tổng số tàu thuyền của huyện từ 180 lên 190 chiếc thuyền lớn/4.788CV và 203 thuyền chèo, đưa năng suất đánh bắt lên 2.008,8 tấn hải sản các loại, tăng 7,2 lần so với năm 1977; Sản lượng lương thực quy thóc đạt 378,77 tấn; tăng gần 80 tấn so với năm 1977; Thu ngân sách đạt 376,828 triệu đồng, từng bước giảm bớt gánh nặng chi viện của tỉnh; Giao thông vận tải có nhiều thay đổi, bước đầu phát triển kinh tế ngoài quốc doanh, huyện đã giải thể Cty vận tải biển, bán đấu giá phương tiện vận tải và hỗ trợ cho các chủ phương tiện cũ mua lại nên đã khuyến khích tư nhân đưa phương tiện vào hoạt động, nâng tổng số tàu vận tải từ 06 chiếc lên 08 chiếc và hầu hết đều được đại tu gia cường, nâng tải trọng từ 60 lên 200 tấn/năm, đáp ứng được nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa giữa đảo và đất liền… Trong lĩnh vực XDCB, phân phối lưu thông, thương nghiệp, tài chính, ngân hàng, cửa hàng lương thực, hiệu thuốc,… trong cơ chế đổi mới đều có những nhạy bén hoạt động đa dạng và thu được nhiều kết quả; trên lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ, ngành Giáo dục không ngừng được phát triển. Năm học 1986 -1987 toàn huyện đã có 86 lớp học/3.200 học sinh, tăng gần 2 lần so với năm 1977 - 1978. Ngành văn hóa - thông tin đã hoàn thành Đài truyền thanh phát sóng FM có chất lượng thông tin tốt hơn; Ngành Y tế đã có bước phát triển vượt bậc, xây dựng được phòng mổ, giải quyết được nhiều ca bệnh hiểm nghèo không phải chuyển viện vào đất liền, giảm tỷ lệ tử vong 3 lần so với trước đây. Công tác chăm lo xã hội được quan tâm nhiều hơn, bộ mặt nông thôn mới được cải thiện rõ nét.
 Sau 10 năm thực hiện nhiệm vụ đổi mới, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng từ 8 - 10%, thu nhập bình quân đầu người đạt 150USD. Đây là thành công có ý nghĩa rất lớn trong quá trình phát triển, trong đó nghề cá có tốc độ phát triển khá nhanh. Nhân dân đã đóng mới 207 chiếc thuyền/7.088CV, nâng tổng số thuyền máy toàn huyện đến cuối năm 1995 lên 410 chiếc/11.900CV; khai thác đạt 5.000 tấn, so với năm 1977 tăng hơn 17 lần. Sản lượng quy thóc đạt 1.800 tấn, tăng 6 lần so với năm 1977, chăn nuôi đàn gia súc đạt 5.634 con, trồng mới 90ha rừng tập trung, thu ngân sách hàng năm tăng 45%, các lĩnh vực công nghiệp, XDCB, giao thông vận tải, tiểu thủ công nghiệp, các ngành phục vụ cho đời sống sản xuất của nhân dân phát triển khá nhanh. Tổng huy động vốn của toàn xã hội đạt hơn 78 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư cho sản xuất hơn 50%, số còn lại đầu tư cho xây dựng nhà ở, xưởng sản xuất…; Sự nghiệp văn hóa, y tế, giáo dục, chăm lo chính sách xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh được quan tâm và đầu tư nhiều hơn, dân chủ xã hội được mở rộng, niềm tin vào Đảng, vào công cuộc đổi mới của nhân dân được nâng lên. Đây là thành quả quan trọng sau 10 năm đổi mới, xác định sự ổn định và phát triển cho thời kỳ tiếp theo.
 Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước (giai đoạn 1996 - 2010) được thể hiện qua các kỳ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VI, VII, VIII mà cụ thể gần đây nhất là Đại hội lần thứ VIII. Mục tiêu Đại hội đề ra: Đẩy mạnh CNH - HĐH lĩnh vực đánh bắt hải sản, xây dựng Phú Quý thành một trung tâm khai thác, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá quan trọng của khu vực; cải tiến rõ nét nền kinh tế ngư, nông nghiệp lạc hậu, cơ sở hạ tầng yếu kém thành cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ, ngư - nông nghiệp có lực lượng sản xuất phát triển, cơ sở hạ tầng đồng bộ, năng suất chất lượng và hiệu qủa kinh tế cao; khai thác có hiệu quả cho đầu tư phát triển, đi đôi với giải quyết tốt các vấn đề xã hội bức xúc; nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Đồng thời là điểm tựa hậu cần của Trường Sa, gắn với việc bảo vệ chủ quyền vùng lãnh hải trong chiến lược Biển Đông và hải đảo.
 
 

Kết quả sau 11 năm thực hiện (1996 - 2007), cho thấy sự phát triển kinh tế của huyện tăng trưởng khá nhanh, đưa tổng sản phẩm nội huyện (GDP) tăng bình quân hàng năm từ 12 - 13%. Trong đó, nhóm ngành nông - lâm - thủy sản tăng từ 10 - 11%, dịch vụ - thương mại tăng từ 16 - 17%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng khá; trong đó nông - lâm - thủy sản tăng 44,6%, công nghiệp xây dựng 35,7%, dịch vụ 19,7%. Phát triển giai đoạn này nổi bật ở một số lĩnh vực trọng yếu như: hệ thống thông tin liên lạc, nhà máy điện thắp sáng, hệ thống giao thông đường vành đai, cảng biển, sửa chữa tàu thuyền, cơ sở sản xuất nước đá, mộc, rèn và các cơ sở chế biến hải sản xuất khẩu ra đời hàng loạt thu hút hàng ngàn lao động vào làm việc. Thu nhập bình quân đầu người năm 2006 đạt 450USD/người, so với năm 1995 tăng gấp 3 lần. Cuối năm 2006 (ngày 4/12/2006) cơn bão số 9 (Mundian) đổ bộ vào đảo, tàn phá rất nặng nề cơ sở hạ tầng, nhà cửa của nhân dân, làm thiệt hại trên 200 tỷ đồng. Trong đó nghề cá bị thiệt hại nặng nhất, có trên 70% tàu thuyền bị hư hỏng nặng, trong đó có 163 thuyền phải giải bản. Xong đến nay với sự cố gắng lớn của các cấp chính quyền và nhân dân đã nhanh chóng khắc phục hậu quả, nên ngành hải sản của huyện đã được khôi phục trở lại. Toàn huyện hiện có 1.016 chiếc/37.506 CV (trước bão số 9 toàn huyện có 1.101 chiếc/39.810 CV), sản lượng khai thác đến cuối năm 2007 ước đạt 18.000 tấn, so với năm 1995 tăng ba lần, so với năm 1977 tăng 50 lần; có 69 tàu thu mua làm dịch vụ nghề cá, có 88 cơ sở nuôi trồng hải sản với số con nuôi gần 200.000 con, trong đó có nhiều loài cho giá trị kinh tế cao như cá mú đỏ, cá mú cọp, tôm hùm…
Các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại phát triển khá mạnh và mang tính ổn định. Đến nay có 53 doanh nghiệp, công ty TNHH, HTX; trong đó có 23 doanh nghiệp tư nhân, 08 công ty TNHH, 26 HTX và trên 130 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 50 tỷ đồng. So với năm 1995 tăng 03 lần; hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại đã đóng góp vào ngân sách hàng năm trên 70%. Đến nay đã có 99% số hộ dân được sử dụng điện thắp sáng, hầu hết đều có phương tiện nghe nhìn (radio, tivi, đầu đĩa…); Bưu chính viễn thông phát triển với tốc độ nhanh, toàn huyện có 3.433 máy điện thoại cố định, bình quân đạt 13,7 máy trên 100 dân, hệ thống mạng điện thoại di động, Internet khá phong phú đáp ứng tốt nhu cầu thông tin liên lạc cho người sử dụng. Lượng hàng hóa lưu thông ngày càng nhiều và đa dạng. Du lịch bước đầu được chú trọng và phát triển, đã hoàn thành công tác quy hoạch và đang kêu gọi đầu tư tập trung vào các lĩnh vực trọng yếu này.
Giao thông vận tải phát triển khá, đường biển có 05 tàu vận tải hành khách (02 của nhà nước, 03 của tư nhân) và có 02 tàu vận tải chuyên chở hàng hóa; đường bộ có 63 xe ôtô cơ giới, sản lượng vận tải hàng hóa ước đạt 60.000 tấn, so với năm 1995 tăng 02 lần, giao thông đi lại giữa Đảo và đất liền ngày càng thuận tiện, độ an toàn được bảo đảm.
Thu ngân sách năm 2007 ước đạt 22 tỷ đồng, so với năm 1995 tăng 10 lần. Chi ngân sách địa phương luôn được bảo đảm, ngoài việc bảo đảm chi lương, còn dành một tỷ lệ nhất định chi cho đầu tư phát triển. Hoạt động tín dụng có nhiều chuyển biến tích cực, nguồn huy động vốn ngày càng lớn. Tổng nguồn vốn huy động tăng bình quân hàng năm khoảng 35%.
Hoạt động văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển; hệ thống trường lớp được đầu tư nhiều hơn và từng bước đạt chuẩn quốc gia. Năm học 2007 - 2008 có 6.732 học sinh các cấp trên tổng số 217 lớp học, 3/3 xã đều có trường THCS, trung tâm huyện có 01 trường PTTH. So với năm học 1995 - 1996 tăng gần 02 lần, so với năm học 1977 - 1978 tăng gần 05 lần, chất lượng dạy và học ngày càng được nâng lên, đã hoàn thành công tác phổ cập THCS; sự nghiệp y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm nhiều hơn, quản lý tốt các loại bệnh xã hội, đến nay 3/3 xã đều có bác sĩ, bình quân có 6,57 bác sĩ /10.000 dân. Đội ngũ y bác sĩ từng bước được trưởng thành, trình độ tay nghề ngày được nâng lên.
Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được quan tâm đẩy mạnh, đã xây dựng được 10/10 thôn văn hóa, 1/3 xã văn hóa, 100% cơ quan, đơn vị đăng ký nếp sống văn minh, 98% hộ dân đăng ký xây dựng gia đình văn hóa. Phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được duy trì và từng bước đi vào chiều sâu; tỷ lệ hộ nghèo còn 65 hộ, chiếm 1,31% tổng số hộ toàn huyện (theo tiêu chí mới). Phong trào đền ơn, đáp nghĩa, chăm lo các đối tượng chính sách, gia đình thương binh liệt sĩ được quan tâm đúng mức. Đã huy động đóng góp xây mới, sửa chữa nhà tình nghĩa, tình thương, nhà hộ nghèo hàng trăm triệu đồng. Cơ bản hoàn thành mục tiêu thực hiện chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở đối với người có công với cách mạng và xóa nhà tạm bợ dột nát.
Công tác quốc phòng - an ninh luôn được chú trọng, phong trào quốc phòng toàn dân và quần chúng tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc ngày càng được mở rộng. Lực lượng vũ trang địa phương trưởng thành về mọi mặt, công tác tuyển quân đều đạt và vượt chỉ tiêu. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững.
Kỷ niệm 30 năm ngày thành lập huyện là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống kiên cường, bền bỉ của nhân dân huyện nhà trong quá trình xây dựng và trưởng thành, qua đó phát động phong trào thi đua trong các cơ quan, đơn vị và các tầng lớp nhân dân góp phần lập thành tích chào mừng ngày thành lập huyện. Đồng thời tiếp tục tổng kết thực tiễn, rút ra bài học kinh nghiệm trong giai đoạn tiếp theo.
Đảng bộ, quân và dân Phú Quý quyết tâm đoàn kết một lòng, ra sức xây dựng Phú Quý trở thành huyện đảo giàu đẹp, điểm sáng của tỉnh nhà và là điểm tựa tiền tiêu vững chắc của Tổ quốc.