Phú Quý tourist
Phú Quý
Phú Quý Travel

Huyện đảo Phú Quý: Trên đường phát triển bền vững

Phú Quý là huyện đảo xa của tỉnh Bình Thuận, cách Thành phố Phan Thiết 56 hải lý về hướng Đông - Đông Nam, diện tích tự nhiên 17,82 km2, dân số hiện khoảng 27,5 ngàn người/5.677 hộ, cơ cấu tổ chức hành chính 3 xã/10 thôn. Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Trung ương và của tỉnh, cùng với tập trung phát huy nội lực, bộ mặt nông thôn - đô thị hóa của huyện đảo ngày một khởi sắc, đời sống nhân dân được cải thiện rõ nét. Phú Quý xác định mục tiêu phát triển kinh tế vơí tốc độ tăng trưởng kinh tế phù hợp và bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đến năm 2015 theo hướng ngành nông-lâm-ngư nghiệp (chiếm 22-23%), ngành công nghiệp-xây dựng (chiếm 51-52%), ngành dịch vụ (chiếm 24-25%). Trong đó đẩy mạnh phát triển toàn diện kinh tế biển cả về khai thác, nuôi trồng, thu mua, chế biến, xuất khẩu, gắn với phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại-dịch vụ và du lịch. Đầu tư xây dựng từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng dân sinh, kinh tế; gắn chặt và phát huy tính lưỡng dụng giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng - an ninh, tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Chú trọng phát triển toàn diện sự nghiệp văn hoá - xã hội, y tế, giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội, không ngừng cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống văn hoá, tinh thần cho nhân dân. Đồng thời, tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch vững mạnh; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới… 
Phú Quý hiện có tổng số tàu thuyền 1.190 chiếc/86.729CV; trong đó thuyền trên 90CV là 186 chiếc/67.207CV. Sản lượng hải sản khai thác bình quân hàng năm đạt trên 22.000 tấn; riêng 6 tháng đầu năm 2014 khai thác đạt trên 14.250 tấn (gần 60% kế hoạch năm), tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước; số hộ nghèo (theo tiêu chí mới) hiện còn 76 hộ (1,26%), hộ cận nghèo 124 hộ; 100% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh và điện sinh hoạt. Trung tâm y tế Quân-dân y (sáp nhập từ Bệnh viện QDY và Trung tâm y tế huyện từ tháng 5/2014) được đầu tư xây dựng quy mô lớn và 03 Trạm y tế tuyến xã đạt chuẩn quốc gia. Giáo dục - Đào tạo được tập trung phát triển từng bước cơ bản, toàn diện; toàn huyện hiện có 14 trường học, trên 7.000 học sinh các cấp (01 trường THPT, 03 trường THCS, 06 trường tiểu học, 04 mẫu giáo, mầm non); có 04 trường đạt chuẩn quốc gia. Thông tin liên lạc phát triển nhanh, mạnh, tổng số thuê bao hiện có 3.690 máy (đạt 13,66 máy/100 dân, chưa tính số sử dụng điện thoại di động và các dịch vụ thông tin viễn thông khác). Đài truyền thanh-truyền hình huyện đang tiếp phát sóng các chương trình truyền hình Trung ương (VTV1, VTV3) và đài Bình Thuận (BTV), phát triển hệ thống truyền hình cáp đến 3/3 xã... Đáng chú ý là, theo Kết luận số 76-KL/TW, ngày 28/11/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI), trong đó có nội dung đồng ý chủ trương xây dựng Đề án phát triển toàn diện huyện đảo Phú Quý đáp ứng tốt yêu cầu chiến lược phát triển kinh tế và quốc phòng, an ninh trong chiến lược biển nói chung, khắc phục tình trạng biển xâm thực, xây dựng khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu thuyền và khi có điều kiện sẽ nâng cấp, mở rộng sân bay. Đây là điều kiện và động lực quan trọng thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh ở địa phương trong thời gian đến; nhất là điều kiện càng thuận lợi hơn kể từ ngày 1/6/2014, giá điện trên đảo bằng giá đất liền và từ 1/7/2014 điện lực Phú Quý đã phát điện 24/24... 
 
Bên cạnh đó, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được các cấp ủy Đảng, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Nhiều mô hình cụ thể, thiết thực, hiệu quả trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là vận động nhân dân tham gia xây dựng giao thông nông thôn đạt nhiều kết quả; xã Tam Thanh cuối năm 2013 đạt 13/19 tiêu chí, năm 2014 phấn đấu đạt 06 tiêu chí còn lại và được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; xã Ngũ Phụng cuối năm 2013 đạt 14/19 tiêu chí, xã Long Hải đạt 13/19 tiêu chí, các tiếu chí còn lại phấn đấu hoàn thành trong năm 2014 và 2015. Đồng thời, huyện đảo Phú Quý cũng đã triển khai thực hiện Chương trình phát triển đô thị giai đoạn 2012 - 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, với mục tiêu trọng tâm là tập trung xây dựng và phát triển đô thị theo hướng hiện đại và bền vững trên cơ sở xây dựng, phát triển tiềm lực kinh tế, tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh, không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần nhân dân. Tăng cường thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển; trong đó, ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng dân sinh, kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông (trọng tâm là giữa đảo với đất liền), mạng lưới thông tin liên lạc, hệ thống điện, nước, các thiết chế, cơ sở vật chất lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa - xã hội… Xây dựng huyện đảo Phú Quý trở thành trung tâm khai thác, chế biến và dịch vụ nghề cá, trung tâm thương mại về xuất khẩu hải sản của tỉnh, là điểm du lịch sinh thái biển, nghỉ dưỡng, khám phá lý tưởng trong các tour du lịch của tỉnh Bình Thuận và khu vực, đồng thời là một điểm tựa hậu cần vững chắc của Trường Sa. 
Với phương châm phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm an ninh quốc phòng, phát huy hiệu quả tính lưỡng dụng giữa phát triển kinh tế với tăng cường tiêm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắt chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc, bảo đảm môi trường sinh thái, bảo vệ nguồn lợi biển cho sự phát triển bền vững. Đến năm 2015, phấn đấu hoàn thành việc chia tách địa giới hành chính (03 xã và 01 thị trấn) và đề nghị công nhận thị trấn Phú Quý, đô thị loại V. Đến năm 2020, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội huyện đảo Phú Quý trở thành một khu kinh tế mạnh trên biển; là một trung tâm khai thác, đánh bắt xa bờ và dịch vụ hậu cần nghề cá, cứu hộ, cứu nạn của khu vực; là căn cứ vững mạnh trong chiến lược biển của tỉnh… đề nghị công nhận thị xã Phú Quý, đô thị loại IV. Đến năm 2030, tiếp tục đầu tư cơ bản hoàn thiện các công trình phục vụ dân sinh kinh tế bảo đảm sự phát triển bền vững, chất lượng đời sống vật chất và tinh thần nhân dân không ngừng được cải thiện nâng cao...
Các bài viết khác