Phú Quý tourist
Phú Quý
Phú Quý Travel

Đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận trong xu hướng phát triển du lịch Việt Nam

Phú Quý nằm trong cụm đảo ven bờ của Việt Nam có tầm quan trọng về an ninh quốc phòng; có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, mang tính đặc trưng vùng biển đảo.
 
Với những đặc trưng về tài nguyên du lịch, Phú Quý đã và đang thu hút khách du lịch đến đảo vào các dịp nghỉ lễ hàng năm, với các loại hình du lịch như: du lịch sinh thái biển, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa và đặc biệt là du lịch thể thao biển. Nếu năm 2000, Phú Quý chỉ đón 1.000 lượt khách thì đến năm 2014 đã tăng lên 6.500 lượt khách; trong đó, khách nội địa là 6.380 lượt, khách quốc tế là 120 lượt. Trong 5 tháng đầu năm 2015, số lượng khách du lịch đến đảo là 1.300 lượt. Tính đến năm 2015, huyện đảo Phú Quý có 18 cơ sở lưu trú (13 nhà nghỉ, 5 nhà khách) với số lượng 99 buồng, phòng đủ tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá du lịch, huyện Phú Quý còn nâng cao giáo dục và ý thức trong cộng đồng dân cư giữ gìn bảo vệ môi trường; khuyến khích các chương trình du lịch gắn liền trồng cây xanh, làm sạch môi trường biển, xây dựng các ban quản lý để bảo vệ lợi ích và hỗ trợ du khách…
Một góc biển Phú Quý
 
Tuy có tiềm năng phát triển du lịch, nhưng Phú Quý có vị trí địa lý không thật sự thuận lợi so với những huyện đảo khác trong cả nước như Cô Tô (Quảng Ninh), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Côn Đảo (Bà Rịa Vũng Tàu), Phú Quốc (Kiên Giang)... Ngoài ra, thời tiết thay đổi theo mùa, thường có gió mạnh vào những tháng cuối năm đến đầu năm sau đã ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại giữa đảo với đất liền. Phương tiện vận chuyển chủ yếu là loại tàu chở hàng, nếu thời tiết bình thường thì phải mất 6 - 7 giờ mới ra tới đảo; gặp phải thời tiết xấu, khách thường mệt mỏi do say sóng. Bên cạnh đó, việc phụ thuộc vào thủy triều tại cảng Phan Thiết cũng đang ít nhiều gây trở ngại cho hành trình ra đảo, nhất là việc không thể chủ động về thời gian để khởi hành. Vì dịch vụ còn khiêm tốn và là đảo nhỏ, chỉ khoảng 1 giờ là du khách có thể chạy xe đạp vòng quanh hết đảo và cũng mất nhiều nhất là 2 ngày để khám phá hết nơi này, nên số ngày khách lưu trú không nhiều. Riêng khách quốc tế, một trong những khó khăn ngăn cản họ muốn đến đảo là làm giấy phép thông hành, phải mất từ 3 - 5 ngày. Chi phí cho các loại hàng hóa, thực phẩm tại đảo hơi cao, cũng là một trở ngại cho hoạt động du lịch.
 
Phú Quý được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là một trong 6 điểm du lịch quốc gia cần ưu tiên phát triển. Theo đó, Phú Quý đã triển khai công tác quy hoạch các khu, điểm du lịch theo chuyên đề; phát triển sản phẩm du lịch phong phú đáp ứng nhu cầu du khách; du lịch sinh thái biển, du khách sẽ được tham quan các đảo, kết hợp câu cá giải trí, chế biến món ăn từ hải sản, khảo sát rừng nguyên sinh… đồng thời từng bước khắc phục phương tiện lưu thông giữa đất liền và đảo. Các dự án đầu tư đã và đang triển khai như từ nhiều năm qua tại Phú Quý như: Dự án phát triển tàu trung, cao tốc và các dự án du lịch; dự án truyền hình cáp phủ sóng trên toàn huyện; dự án du lịch tại khu vực Mộ Thầy -  xã Long Hải (của Công ty Lan Đông); dự án du lịch của Công ty Sail Travel... Từ giữa năm 2014, hệ thống điện gió đã hòa cùng lưới điện trên đảo, cung cấp chiếu sáng 24/24. Đầu tháng 9/2015, huyện Phú Quý đưa vào hoạt động tàu khách trung tốc, tốc độ chạy 20 hải lý/giờ và chịu được sóng gió cấp 8, rút ngắn thời gian đi lại giữa đảo với đất liền còn 3,5 giờ. Đồng thời với sân bay hiện đang thi công tại Phan Thiết, cũng là thuận lợi cho Phú Quý trong phát triển thêm phương tiện hàng không đến đảo.
 
Tuy nhiên, trong phát triển du lịch tại đảo Phú Quý, cần chú ý đến các giới hạn trong phát triển du lịch và phải tuân thủ theo nguyên tắc quản lý du lịch bền vững: Như cần xây dựng các chính sách, kế hoạch và quản lý thích hợp đáp ứng thật sự cần thiết đối với các vấn đề về tự nhiên và con người trong hoạt động du lịch. Cách tiếp cận là không ngược lại với sự phát triển nhưng cần phải chú ý đến phát triển có giới hạn và du lịch phải được phát triển trong giới hạn được đề ra. Phát triển phải mang tầm chiến lược lâu dài hơn là ngắn hạn. Quản lý du lịch bền vững không chỉ đối với vấn đề môi trường mà phải quan tâm đến kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị. Du lịch bền vững phải là mục tiêu cho tất cả các chính sách, hành động, đưa ý tưởng của hoạt động du lịch bền vững vào thực tế và có những giới hạn cho mục tiêu ngắn hạn và dài hạn.
 
Với những điều kiện hiện có, hy vọng Phú Quý sẽ ngày càng gần hơn với đất liền, đẹp hơn trong mắt du khách và vững bền hơn trong bảo vệ vùng trời, vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
 
Nguồn: www.baobinhthuan.com.vn
Các bài viết khác