Phú Quý tourist
Phú Quý
Phú Quý Travel

Cổ lệ giao phiên rước sắc của người Phú Quý

“Dù ai đi ngược về xuôi,
Nhớ ngày mùng bốn giao phiên Chúa, Thầy”.
Đó là hai câu ca mà nhân dân Phú Quý thường đọc mỗi khi nói đến cổ lệ Giao phiên nhận sắc vào ngày mùng 4 tháng Tư âm lịch hàng năm của quê hương mình.
Kiểm tra các điệu sắc phong trước khi giao phiên
 
Nguồn gốc tín ngưỡng
 
1. Theo truyền khẩu, Bàn Tranh là công chúa hoàng tộc Chăm, nhưng do những cuộc binh biến của thời cuộc nên nàng đã rời bỏ chốn cung đình, lánh tới miền biên viễn – đó là đảo Cổ Long/Koh Rong (mà nay là Phú Quý).
Theo tài liệu khảo cổ, đất bản bộ Phú Quý xưa thuộc các vương triều Champa nên từ sớm đã có người Chăm sinh sống, nhưng con số này rất ít ỏi. Do vậy sức khai phá chưa được nhiều, đất đai còn hoang hóa rất nhiều. Sau một thời gian, qua bàn tay khai hoang phục hóa của vị công chúa Chăm, đất đai nay đã phủ lên một màu xanh mượt mà của những ruộng lúa (có thể là lúa Chiêm), nương khoai, bắp, đậu,…
Thời gian thấm thoát qua đi, những cánh bườm xuôi ngược của người Việt lần lượt đến đây định cư, lập làng. Họ hoặc vô tình khi tránh bão trong lúc đánh cá hoặc cố ý vì những cuộc bính biến của thời cuộc. Quá trình cộng cư giữa hai dân tộc Chăm – Việt trên đảo Phú Quý bắt đầu từ đây.
 
Do có công đầu trong việc đưa lên đảo những giống cây lương thực hoa màu và hướng dẫn người dân trên đảo cách khơi giếng, làm vườn; dạy dân đan lát, may, dệt nên khi qua đời (mùng 3 tháng Giêng) Bàn Tranh công chúa được nhân dân tôn kính gọi là Bà Chúa, lập đền thờ. Hiện mộ và đền thờ đều nằm bên chân núi Cao Cát, thuộc địa phận thôn Quý Hải, xã Long Hải. Hiện di tích này đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
 
2. Xét về mặt vị trí địa lý, Phú Quý ở vùng nước sâu, lại nằm án ngữ trên đường hàng hải có đông tàu bè qua lại; theo đó, tàu thuyền từ các nước Đông Bắc Á (có Trung Quốc) xuôi Nam đều phải đi ngang hòn đảo này.
Cũng theo truyền thuyết, thầy Nại (còn gọi là Sài Nại) vốn là một thương gia người Hoa, ông sống ở thế kỷ XVII, thời Minh (triều đại này tồn tại từ 1368 - 1644). Điều lạ là, vốn là thương gia nhưng thầy Nại lại tinh thông địa lý thiên văn nên được gọi là thầy.
Dinh thờ Thầy Nại (Di tích văn hóa – lịch sử cấp tỉnh)
 
Trên đường buôn bán, vị thương nhân này cũng đã từng đặt chân lên đảo và phát hiện ngay Phú Quý của nước Đại Việt là vùng địa linh, tất sẽ phát đạt phú quý. Sau khi rời đảo trở về cố quốc, thầy Nại có ý nguyện sẽ được an nghỉ nơi này sau khi mãn phần.
Đúng như di nguyện, sau khi thầy mất, gia đình đã đưa tro cốt xuôi Nam tới đảo Phú Quý an táng bí mật trong một đêm tối trời tại một mô đất nhô ra biển (nay thuộc thôn Đông Hải, xã Long Hải) mà nhân dân quen gọi là Doi mộ Thầy; sau hiển linh nên người dân lập đền thờ. Kể từ đó, hàng năm cứ vào ngày mùng 4 tháng Tư âm lịch, người dân khắp các làng trên đảo đều tề tựu về mộ và dinh thầy để tế lễ. Mãi cho đến nay, người Phú Quý vẫn tin rằng sau khi thầy Nại quy thiên đã hóa thần linh ứng, trợ giúp họ trong những chuyến biển đầy hiểm nguy hoặc lúc chiến tranh loạn lạc,…
Chính công lao lúc sinh tiền và linh ứng khi quá vãng, Bà chúa Bàn Tranh và Đức thầy Nại đã được các vua triều Nguyễn ghi nhận, ban sắc phong Thần và lệnh cho các làng trên đảo phải thay nhau hương khói, tế tự hàng năm.
 
Mỹ tục rước sắc
Theo thống kê, hiện Bà Chúa và Đức Thầy được triều đình phong tặng 13 điệu sắc: Bà Chúa 5 điệu, Thầy Nại 5 điệu và 3 điệu chung cho cả hai vị (vua Minh Mệnh 2 điệu (năm 1824), vua Thiệu Trị 4 điệu (năm 1843), vua Tự Đức 3 điệu (các năm 1840 và 1880), vua Đồng Khánh 1 điệu (1886), vua Duy Tân 1 điệu (1909), vua Khải Định 2 điệu (1924). Tất cả 13 điệu sắc phong trên được cuộn tròn, gói trong túi vải màu đỏ, đặt trong một hộp gỗ ván hương sơn son có vẽ rồng phượng, hoa văn rất đẹp mắt. Đó được xem là báu vật linh thiêng nên làng nào cũng muốn giữ gìn để hương hỏa, tế tự Thầy Chúa; do vậy, Ban quản lý Bổn Điền mới đặt ra lệ mỗi làng sẽ được rước sắc về làng mình bảo quản và tế tự trong vòng một năm, sau phải chuyển giao cho làng kế tiếp, cứ thế tuần tự cho đến hết.
Rước sắc từ Dinh thầy về làng an vị
 
Ông Ngô Khái, Trưởng Ban quản lý Bổn Điền cho hay “Cổ lệ này từ rất xưa, đời Ông, Cha chúng tôi đã có và được trao truyền tới thế hệ của chúng tôi. Đáo lệ, tại Dinh thầy Nại, vào ngày mùng 4 tháng Tư. Lệ Giao phiên hiểu nôm na là lễ bàn giao 13 điệu sắc phong và việc cúng tế Bà Chúa và Thầy Nại trong một năm cho một làng trong thời hạn một năm, từ mùng 4 tháng Tư năm này sang mùng 4 tháng Tư năm sau. Sau đó bàn giao cho làng khác, cứ thế xoay vòng cho đến hết”.
Cụ thể, vào dịp tế Bà Chúa (mùng 3 tháng giêng) thì làng đang giữ sắc (làng phiên) phải rước sắc từ làng mình đến đền Bà Chúa cúng tế, xong lại rước sang dinh Thầy tiếp tục lễ tế; sau khi tế xong thì rước sắc trở về lại làng mình. Đến lượt giỗ Thầy (mùng 4/4) phải rước sắc từ làng mình đến đền thờ Bà Chúa rồi rước tiếp đến dinh Thầy để tế. Lễ tế Thầy tại dinh là thời điểm kết thúc phiên của làng trước, và mở ra phiên mới cho làng tiếp sau.
Theo quan niệm của mọi người, làng được nhận phiên có nghĩa là làng đó đang thực hiện một nghĩa vụ cao cả đối với đấng thiêng. Quê hương có được ấm no, thanh bình và phát đạt được hay không một phần lớn phụ thuộc vào lòng thành tâm của mọi người nói chung và của làng nhận phiên nói riêng. Chính vì thế lễ giao phiên và rước sắc được chuẩn bị kĩ lưỡng, tổ chức trang nghiêm với đầy đủ lễ nghi của một lễ hội truyền thống Việt Nam.
Hàng trăm năm nay, tục giao phiên rước sắc không chỉ gói gọn trong một lễ nghi tín ngưỡng dân gian, mà nó còn là một ngày hội lớn của toàn dân, là nơi cho tình làng nghĩa xóm được nhân lên khi cùng tri niệm công đức tiền nhân đã có công khai lập xóm làng, bảo vệ biên cương lãnh thổ. Đến đó để gửi gắm khát vọng và ước muốn về một cuộc sống yên bình, no đủ trong quá trình xây dựng và phát triển quê hương huyện đảo.