Phú Quý tourist
Phú Quý
Phú Quý Travel

Bảo tồn, phát huy các giá trị Di sản văn hóa trên địa bàn huyện

Huyện đảo Phú Quý có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời. Với 35 di tích lịch sử – văn hóa (trong đó có 3 di tích lịch sử - văn hoá cấp Quốc gia và 7 di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh) đủ mọi loại hình và niên đại trải đều trên một diện tích tự nhiên gần 17,82 km2 của đảo là một bằng chứng lịch sử sinh động chứng minh cho quá trình khai phá và xây dựng đảo của các bậc tiền nhân. Các di tích đó còn nói lên sức sống mãnh liệt của nhân dân qua hàng trăm năm giữa biển khơi, làm rạng rỡ nguồn gốc con người Phú Quý nơi hải đảo xa xôi.
 
Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia Vạn An Thạnh
 
Những năm qua, Huyện Phú Quý đã có những giải pháp tích cực giữ gìn và phát huy các giá trị, di sản văn hoá Vật thể và Phi vật thể theo tinh thần Nghị Quyết TW 5 (Khoá VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị Quyết Trung ương IX (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước”. Huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức quán triệt đầy đủ các nội dung quy định, nhiệm vụ, giải pháp về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hoá và danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giữ gìn, bảo tồn các giá trị di tích lịch sử - văn hóa bằng các hình thức đa dạng, phong phú phù hợp; trong đó chú ý tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức và hành động của mỗi người về giữ gìn, bảo vệ các giá trị di tích lịch sử - văn hoá, lòng yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc; giáo dục kỹ năng sống, nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật và xây dựng môi trường sống lành mạnh; giữ vững và tiếp tục phát huy truyền thống văn hóa, đạo lý tốt đẹp của dân tộc tại địa phương.
Thực hiện phân cấp quản lý các loại hình di tích lịch sử văn hoá trên địa bàn huyện. Đối với UBND huyện: trực tiếp quản lý các di tích lịch sử - văn hoá cấp Quốc gia, cấp tỉnh đã được xếp hạng trên địa bàn huyện như: Di tích lịch sử - văn hoá Cấp Quốc gia Chùa Linh Quang, Vạn An Thạnh, Đền thờ Công Chúa Bàn Tranh. Di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh: Vạn Mỹ Khê, Đình Vạn Hội An, Đình làng Triều Dương, Đền thờ Thầy Sài Nại, Đền thờ Bà Chúa Ngọc – Vạn Thương Hải, Đình làng Long Hải, Đền thờ Bà Chúa Ngọc (Miếu Cây Da).
Đối với UBND các xã: Trực tiếp quản lý các di tích trong danh mục đã kiểm kê nhưng chưa được xếp hạng tại địa phương mình quản lý; đồng thời phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện quản lý, khai thác và phát huy giá trị các di tích đã được xếp hạng trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý của xã.
Việc bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích trên địa bàn huyện được áp dụng theo Thông tư số 18/2012/TT-BVHTTDL ngày 28/12/2012 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Việc khai thác, phát huy giá trị di tích được thực hiện các quy định tại khoản 1, điều 12, Thông tư số 04/2011/TT-BVHTTDL ngày 21/01/2011 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Thời gian qua, khi tổ chức lễ hội các tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng không bán vé vào dự lễ hội, các nghi lễ được diễn ra trang trọng, phù hợp với truyền thống văn hoá dân tộc, việc trang trí các loại cờ hội, cờ lễ trong khu vực lễ hội đúng quy định; trong các hoạt động lễ hội hầu hết mọi người đều ứng xử có văn hoá (trang phục đẹp, lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục; không phát ngôn bừa bãi gây ảnh hưởng xấu đến không khí trang nghiêm của lễ hội) an ninh trật tự được đảm bảo, không để xảy ra tình trạng lợi dụng lễ hội để hành nghề mê tín dị đoan như xin xăm, bói toán, gọi hồn, yểm bùa, trừ tà, phù phép chữa bệnh. Nhận thức và hành động của người dân về thực hiện nếp sống văn hoá, giữ gìn vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp tại di tích được nâng lên rõ rệt.
 
Quang cảnh lễ rước sắc Thầy
 
Các giá trị văn hóa, lễ hội truyền thống, lễ hội dân gian được bảo tồn và phát huy đúng theo tinh thần Luật di sản quy định. Hàng năm, duy trì tổ chức tốt các hoạt động lễ hội như: lễ hội cầu ngư, rước sắc thầy, chèo bá trạo, tế xuân, tế thu, hát bộ...mang đậm nét sắc thái vùng biển. Thông qua các ngày lễ, tết tổ chức các hoạt động trò chơi dân gian như: đua thuyền, lắc thúng, nhảy bao, kéo co…từng bước nâng cao giải trí văn hoá tinh thần trong nhân dân. Công tác bảo vệ, trùng tu, tôn tạo, quản lý và phát huy di tích lịch sử văn hoá được quan tâm tạo được sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân. Thời gian qua, nhiều tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng đã đầu tư trên 12 tỉ đồng để trùng tu tôn tạo bảo vệ di tích đúng theo quy định của nhà nước, trong đó có 02 di tích lịch sử văn hoá được nhà nước đầu tư trên 6 tỉ đồng để trùng tu tôn tạo (Đền thờ Công Chúa Bàn Tranh và Nhà trưng bày xương cá Voi Vạn An Thạnh).
Hệ thống thiết chế Văn hóa, Thông tin, Thể thao từ huyện đến cơ sở được quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ. Trung tâm Văn hoá – Thể thao huyện và các xã được xây dựng ổn định tổ chức đi vào hoạt động, các Thôn văn hoá đều có nhà làm việc và địa điểm sinh hoạt hội họp, vui chơi, trụ sở thôn được đầu tư xây dựng nhà làm việc khá khang trang. Cổng chào các thôn văn hoá được xây dựng đúng quy mô, kiểu mẫu theo định hướng chung của huyện. Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa - thể thao ngày càng có sự chuyển biến rõ nét đã thu hút nhiều tập thể, cá nhân đầu tư xây dựng nhiều hạn mục tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện và các xã như: sân bóng đá mi ni, câu lạc bộ Billar, câu lạc bộ hát với nhau và các hoạt động vui chơi, giải trí cho Thanh thiếu nhi. Các phong trào VHVN-TDTT quần chúng ngày càng có bước phát triển rộng khắp, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn thuần phong mỹ tục, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Các loại tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi.
 
 
Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh Đình Làng Hội An
 
Thời gian qua, huyện đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức Hội văn học nghệ thuật trong và ngoài tỉnh đến Phú Quý nhằm nghiên cứu, sáng tác, phổ biến và giới thiệu các tác phẩm văn học – nghệ thuật của địa phương. Đã phối hợp tổ chức thành công cầu truyền hình trực tiếp “Phú Quý – Biển mặn tình nồng”, thành lập trang thông tin điện tử của huyện, phát hành lôgô, tập nhạc, đĩa hát ca ngợi về sự đổi thay và phát triển của Phú Quý, tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn văn nghệ sĩ đến Phú Quý hoàn thành nhiều chuyên đề, chuyên mục, phóng sự nhằm quảng bá hình ảnh, con người và văn hoá của địa phương đến với mọi người. Hàng năm, đã tiếp nhận nhiều đoàn ca múa nhạc tạp kỹ đến Phú Quý biểu diễn phục vụ cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.
Để đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn huyện, thời gian tới, Phú Quý cần huy động sức mạnh của toàn xã hội, tăng cường nguồn lực đầu tư của Nhà nước, tranh thủ sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí của tỉnh và Trung ương thông qua các Chương trình mục tiêu đưa văn hóa về cơ sở, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa nhằm nêu cao các giá trị văn hóa hiện có, đồng thời tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, địa phương; đẩy mạnh các hoạt động lễ hội và phong trào văn hóa ở cơ sở, khuyến khích sáng tạo các giá trị văn hóa mới. Các ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể từ huyện đến cơ sở cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức xã hội về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.
Trước mắt, cần tiến hành kiểm kê, đánh giá tình trạng xuống cấp của từng loại di tích để có phương án sửa chữa, trùng tu, tôn tạo. Chú trọng ưu tiên đầu tư bảo quản, tu bổ và phục hồi các di tích đã được xếp hạng có tiềm năng phát triển du lịch và đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hoá tinh thần của người dân địa phương.
Tổ chức có hiệu quả các hoạt động lễ hội đặc trưng tại địa phương, đặc biệt là 02 lễ hội đã được phục dựng: Lễ hội Cầu ngư tại vạn An Thạnh và Lễ hội rước sắc thầy (mùng 4/4 AL) hàng năm. Duy trì có hiệu quả các hoạt động văn hóa dân gian như: đua thuyền, lắc thúng, kéo co, thọc dế, hò, vè, hát bộ,… tổ chức sưu tầm các bài chòi cổ, các làn điệu hát hò, hát ru, di vật, cổ vật, phát triển các loại hình văn hóa – thể thao huy động đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, nâng cao nhận thức và hành động của nhân dân trong việc chăm sóc, quản lý di tích, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân xâm hại di tích./.
Các bài viết khác